Ngày lành và Tháng tốt
 
HỎI : Tôi là một Phật tử, có tìm hiểu kinh sách Phật giáo và biết rằng đạo Phật không có quan niệm coi ngày tốt xấu. Nên trước khi muốn làm gì thì chỉ cần thành tâm tụng kinh, lễ sám, làm phước và cầu nguyện cho công việc được thành tựu mà không cần coi ngày. Dù biết vậy nhưng chuẩn bị cho lễ kết hôn, trước chuyện hôn nhân đại sự tôi có đến chùa nhờ thầy coi giúp ngày lành tháng tốt để làm đám cưới. Thầy coi xong cho biết rằng tôi và người yêu không thể cưới nhau trong 2 năm nữa vì hai năm đó tôi và người yêu không được tuổi. Hiện lòng tôi rất hoang mang, lo lắng và không biết giải quyết làm sao ? Xin quý vị cho biết về ngày tốt, xấu có thực không ? Nếu không tại sao trong chùa các thầy lại coi ngày ? Điều này có trái với lời Phật dạy không ? Tôi cũng tin sâu vào nhân quả và hiểu rõ "đức năng thắng số" nhưng lòng hơi lo sợ vì nếu không nghe lời thầy thì sau này biết đâu gặp nhiều điều không vui hay trắc trở lại đổ thừa là do cưới không đúng ngày tháng tốt. Sau này biết đâu gặp nhiều điều không vui hay trắc trở do cưới không đúng ngày tháng tốt.

ĐÁP : Đúng như bạn đã nhận thức, Phật giáo không có quan niệm về ngày tốt, ngày xấu mà ngày nào cũng có thể trở thành tốt hoặc xấu tùy theo suy nghĩ, lời nói và hành động thiện hay ác của chúng ta. Do vậy, trước lúc khởi sự làm bất cứ công việc gì, người Phật tử có Chánh kiến đều không quan trọng vấn đề coi ngày mà cần vận dụng Chánh tư duy suy xét kỹ lưỡng để thấy việc mình sắp làm là đúng, lợi mình và lợi người đồng thời lấy phước đức của bản thân đã gieo trồng làm nền tảng để cầu cho tâm nguyện được viên thành. Tùy theo tuệ giác và phước đức của mỗi người mà công việc sẽ thành tựu nhiều hay ít chứ không phải do nơi coi ngày. Ngày lành tháng tốt nếu có chăng thì cũng chỉ là một trong những nhân duyên để góp phần tạo nên kết quả chứ không phải là yếu tố chính yếu, quyết định sự thành bại.

Tập tục coi ngày lành tháng tốt để khởi sự cho mọi công việc, nhất là những việc trọng đại của đời người, ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Trung Hoa và rất phổ biến trong các nước Á Đông. Người Việt chúng ta chịu ảnh hưởng sâu sắc nét văn hóa này nên đa phần đều có coi ngày trước khi khởi sự làm việc. Rất nhiều người sau khi chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cần thiết cho công việc họ cũng đi coi ngày nhưng xem đó chỉ là yếu tố trợ duyên, giúp cho họ an tâm và thỏa mãn niềm tin của các đối tác đang chung sức làm việc. Vậy nên, bạn là một Phật tử, dù có chút hiểu biết giáo lý nhưng để chuẩn bị kết hôn bạn đã đến chùa coi ngày lành tháng tốt là chuyện rất bình thường, khá nhiều người cũng hành xử như bạn.

Đối với vấn đề vì sao đạo Phật không có quan niệm về ngày tốt ngày xấu và ngay cả trong kinh Di Giáo, trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật đã huấn thị hàng đệ tử không xem thiên văn, địa lý, số mạng, ngày giờ tốt xấu... mà hiện nay một số chùa vẫn coi ngày ? Điều này có trái với lời Phật dạy không ? Như đã nói, ngày tốt hay xấu tùy thuộc vào chúng ta. Bản thân chúng ta tự làm nên cho mình một ngày tốt đẹp chứ không phải nhờ ngày tốt mà tạo nên nhân cách tốt hay giúp cho công việc trôi chảy, thuận lợi. Tuy nhiên, một số người Phật tử vì chưa có đầy đủ chánh kiến để vững tin vào bản thân mình nên đến chùa nhờ tìm giúp cho một ngày tốt để an tâm làm việc. Nhà chùa cũng bất đắc dĩ, phương tiện mà coi cho nhưng việc chọn ngày tốt chỉ nhằm trợ duyên, hoàn toàn không mang tính quyết định.

Còn nếu Phật tử nào đã tin sâu nhân quả, hiểu rõ "đức năng thắng số" thì ngày giờ là tùy duyên, ngày nào hội đủ duyên lành là ngày tốt, bản thân mình luôn sống tốt và tạo nhiều phước đức thì ngày nào cũng tốt cả. Đối với chuyện hôn nhân, muốn xây dựng hạnh phúc bền lâu đòi hỏi hai người phải kiện toàn nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là phải thực sự hiểu và thương yêu nhau. Ngày giờ cưới hỏi dù tốt đến mấy cũng không phải là yếu tố quyết định cuộc hôn nhân hạnh phúc. Theo quan điểm Phật giáo, để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc lâu dài, các thành viên trong gia đình phải có đạo đức (giữ 5 giới), biết tu học để chuyển hóa những tập khí xấu ác, biết nhường nhịn, tha thứ và yêu thương... Hạnh phúc hôn nhân là một thực thể sống động nên cần được vun bồi, tưới tẩm, chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngày.

Một khi đã hiểu rõ điều gì là chính yếu và điều gì là phụ thuộc rồi thì bạn không có gì phải băn khoăn và lo lắng nhiều. Nếu không tìm ra năm tốt thì vẫn có thể tìm được ngày tháng tốt. Mặt khác, ngày tốt đích thực do mình tạo nên vì thế không nên quá lệ thuộc vào ngày giờ tốt bên ngoài, đó là chưa kể đến chuyện nhiều khi vì chờ đợi ngày tốt mà lỡ việc thì chưa hẳn ngày "tốt" ấy đã thực sự là tốt. Hiện bạn đã có niềm tin nhân quả và biết được "đức năng thắng số" và đã sẵn sàng cho đời sống hôn nhân thì ngày cưới là tùy duyên. Cốt tủy là bạn và người bạn đời của bạn cần xây dựng một lối sống đạo hạnh, tích phước bồi đức thì mọi chuyện sẽ hanh thông, vạn sự sẽ cát tường như ý./.

Di Lặc và Thần Tài

Hỏi : Trong mùa xuân này, tôi đến một số nơi và thấy nhiều mẫu tượng Phật Di Lặc khác nhau. Tượng Di Lặc đứng hoặc ngồi bụng no tròn, nét mặt sáng ngời, vui vẻ. Có nơi Tượng Ngài cũng như thế nhưng thêm chi tiết đứng trên một cái bao lớn, lưng đeo "bầu rượu", giữa bụng có chữ Phước.

Nơi khác tượng Di Lặc lại có thêm hai tay nâng thỏi vàng lên cao, hoặc tay cầm xâu tiền đồng, hoặc vai gánh trái đào, nón đeo sau lưng, đứng trên bao lớn v.v... Tôi hỏi thì hầu hết mọi người nói đó là tượng Phật Di Lặc. Tuy nhiên, khi hỏi những người bán đồ thờ cúng thì được cho biết đó là tượng ông thần Tài. Hiện tôi rất băn khoăn để phân biệt đâu là tượng Thần Tài và đâu là tượng Phật Di Lặc, mong quý Thầy hoan hỷ chỉ giáo cho.

Đáp : Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng thì tục thờ thần Tài có từ lâu đời và phổ biến trong các cộng đồng người Hoa. Trước hết, Thổ Địa là một trong những vị thần Tài. Do nông nghiệp chiếm vai trò quan trọng trong lịch sử nên đất đai cùng các loại nông phẩm từ đất sinh ra là thứ của cải, tài sản chủ yếu nên thần Đất cũng là thần Tài. Mặt khác, thần Đất có công năng là thần Tài do thuyết ngũ hành tương sinh : Thổ sinh kim.

Ngoài thần Đất được thờ tự để cầu tài, người Hoa còn thờ nhiều thần Tài khác. Phổ biến và tôn quý nhất là Tài Bạch tinh quân. Đây là vị thần thường thờ tự tôn kính ở các đền miếu, đặc biệt phổ biến là các cơ sở thờ tự thuộc nhóm phương tộc Triều Châu. Tài Bạch tinh quân gồm 5 vị thần, chủ bộ Tài lộc thiên giới, do Triệu Nguyên soái hay Triệu Công Minh đứng đầu.

Trên trời có Tài Bạch tinh quân, dưới đất cũng có thần Tài âm phủ. Hình tướng vị thần Tài này giống một phán quan, đen thui, trên đầu đội mũ ống cao, có dòng chữ "Nhất kiến phát tài". Ngoài ra còn có thần Tài Phạm Lãi (trung thần của Việt Vương Câu Tiễn), thần Tài Lưu Hải (Tể tướng triều Lương), thần Tài Hòa Hợp nhị tiên, thần Tài Quan Công v..v...

Người Việt là cư dân "dĩ nông vi bản" nên bảo thủ tập tục thờ thần Đất và tín lý phồn thực. Đến cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, thần Đất và thần Tài ở xứ ta vẫn chưa khu biệt rõ. Trong Đại Nam quốc âm tự vị (Sài Gòn, 1895), tác giả Huỳnh Tịnh Của cắt nghĩa Thổ thần và Tài thần đều là "thần Đất, thần giữ tiền bạc" và đến tận bây giờ, thần Tài và Thổ Địa vẫn cứ được thờ chung như một cặp đôi bất khả phân ly ở khắp nơi, từ văn phòng công ty, tiệm quán, tư gia... Và điều đáng chú ý là, hình tượng vị thần Tài của người Việt, xét về mặt đồ tượng học, là một biến thể của Thổ Địa Phước đức chính thần của người Hoa.

Qua những cứ liệu trên, chúng ta thấy rõ rằng, dù có nhiều vị thần Tài khác nhau được tôn thờ trong dân gian nhưng hình tượng của chư vị thần Tài ấy hoàn toàn khác với tôn tượng của Bồ tát Di Lặc (Bố Đại Hòa thượng) của Phật giáo với nét đặc trưng là hình dáng vị Tăng có chiếc bụng lớn, miệng cười hoan hỷ, tay cầm túi đãy lớn, thường có trẻ nhỏ đeo bám xung quanh...

Như thế, tượng Ngài Di Lặc nâng thoi vàng hiện nay là một biến thể do dân gian sáng tạo ra, gán ghép cho Ngài chứ không theo quy chuẩn đồ tượng học Phật giáo. Và tất nhiên, không thể gọi Ngài Di Lặc là thần Tài được. Ngài là Bồ tát chứ không phải thánh thần, dù rằng Ngài được tin tưởng và sùng kính là vị Bồ tát luôn ban tặng niềm vui, hỷ xả, sức khỏe và phúc lộc.

Theo quan niệm của thuật Phong thủy phương Đông, tượng Di Lặc, thoi vàng, bình vàng bạc,... được xếp vào Tài thần dùng để chiêu tài, bày biện tại gia trạch hoặc cửa hiệu để tăng thêm phúc lộc, hóa sát, thu tài. Vì thế, việc gán ghép vàng thỏi, tiền xâu lên tôn tượng Di Lặc là một sự gán ép, khập khiễng và vô hình trung "thế tục hóa" Ngài, dù điều ấy chỉ thể hiện lòng mong mỏi chân thành được phúc lộc, thịnh phát./.

Tô Tử

Cô độc mà không cô đơn

Một thời, Tỳ kheo Vajjiputtaka trú ở Vesàli, tại một khu rừng.

Lúc bấy giờ có một cuộc lễ tổ chức suốt đêm ở Vesàli.

Tỳ kheo ấy được nghe tiếng nhạc khí, tiếng cồng v.v... đánh lên, tiếng ồn ào khởi lên, liền than thở, nói lên ngay lúc ấy bài kệ này : "Chúng ta sống một mình; trong khu rừng cô độc; như khúc gỗ lột vỏ; lăn lóc trong rừng sâu; trong đêm tối hân hoan; như hiện tại đêm nay; ai sống đời bất hạnh; như chúng ta hiện sống".

Rồi một vị trời trú ở khu rừng ấy, có lòng thương xót vị Tỳ kheo kia, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến vị Tỳ kheo. Sau khi đến, vị Trời ấy nói lên bài kệ : "Ông sống chỉ một mình; trong khu rừng cô độc; như khúc gỗ lột vỏ; lăn lóc trong rừng sâu; rất nhiều người thèm muốn; đời sống như ông vậy; như kẻ đọa địa ngục; thèm muốn sanh thiên giới."

Tỳ kheo ấy được vị Trời cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

(Đại Tạng Kinh VN, Tương Ưng Bộ I, chương 9 Tương Ưng Rừng, phần Vajjiputta, ấn bản năm 1993, tr 443)

Lời bàn : Dù đã phát nguyện dấn thân, tự nguyện chấp nhận sống đời cô độc nhưng thỉnh thoảng bất chợt xuất hiện cảm giác cô đơn, trống trải âu cũng là chuyện thường tình. Đặc biệt, trong trường hợp hạnh phúc xuất thế chưa đạt được mà hạnh phúc đời thường lại chưa có thì cảm giác cô đơn lại dễ ùa về xâm chiếm tâm hồn chúng ta hơn, nhất là những khi xung quanh ta ngập tràn không khí lễ hội, ca nhạc ồn ào náo nhiệt.

Một vị Tỳ kheo sống cô độc trong rừng, vì thiếu chánh niệm cho nên chợt chạnh lòng, cảm thấy cô đơn, xót xa cho thân phận bất hạnh. Đây là một biểu hiện quen thuộc của tâm hoang vu khi nó bị thiếu kiểm soát, thiếu ý thức về thực tại. Để khắc phục tình trạng này, hành giả nhanh chóng trở về thực tại bằng cách hướng tâm vào chánh niệm. Đề mục để duy trì chánh niệm có thể là niệm danh hiệu Phật, chú tâm vào hơi thở hoặc thiền quán về tâm thức đương tại... khi đã an trú tâm vào chánh niệm thì cảm giác cô đơn bị đẩy lùi và triệt tiêu.

Theo tuệ giác Thế Tôn, người tu nhờ biết duy trì chánh niệm thường trực nên dù sống cô độc mà không hề cô đơn. Bí quyết sống hạnh phúc, hoan hỉ vui tươi, tâm sung mãn bi trí của người biết sống một mình là pháp lạc, hoa trái của chánh niệm. Một vị trời nhận thức sâu sắc về hạnh phúc nội tâm của một ẩn sĩ nên khẳng định "rất nhiều người thèm muốn, đời sống như ông vậy". Nhất là trong cuộc sống hiện tại với vô vàn biến động, đầy dẫy trói buộc, hệ lụy và hư dối thì một cuộc sống thanh bình, tĩnh tại nhưng sung mãn hạnh phúc tự nội vẫn là mong muốn, khát vọng của nhiều người.

Cô đơn, trống vắng và những tâm hồn đi hoang hội chứng làm điêu linh tâm thức của con người hiện đại. Họ thường chạy trốn và sợ hãi cô đơn, nhất là khi phải đối diện với chính mình. Vì vậy, phải nhận diện và thân thiện với tâm hoang vu của bản thân để thấy rằng cô đơn không khủng khiếp và đáng sợ như ta tưởng, vì cô đơn vốn không thực. Hãy thắp sáng chánh niệm để làm chủ và an trú tâm, nuôi dưỡng tâm bằng niềm hạnh phúc tự nội. Đây chính là bí quyết cư trần lạc đạo của những người tu Phật.

Quảng Tánh