Giải Đáp thắc mắc
(Bài 2) Tô Tử
Duy Ngã Độc Tôn
 
Hỏi : Nhân mùa Phật Đản, đến các chùa đảnh lễ, chúng ta thường gặp câu "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn". Vậy xin cho biết nguồn gốc và ý nghĩa của lời dạy trên.

Đáp :

"Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn" là câu kệ nổi tiếng được Đức Phật tuyên bố khi Ngài đản sanh. Ra đời, Ngài bước đi bảy bước, ngoảnh mặt nhìn sáu phương, bước cuối cùng dừng lại, tay chỉ lên trời tay chỉ xuống đất nói rằng "Trên trời, dưới trời chỉ mình Ta là tôn quý nhất".

Lời tuyên bố này, được ghi chép lại trong rất nhiều kinh điển thuộc Hán tạng. Theo kinh Trường A Hàm I, "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử" (Trên trời dưới trời chỉ mình Ta là tôn quý. Việc cần yếu của ta là độ chúng sanh thoát ly sanh già bệnh chết - Kinh Đại Bổn Duyên).

Kinh Tu Hành Bản Khởi ghi "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Tam giới vi khổ, ngô đương an chí" (Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tôn quý nhất. Ba cõi đều khổ, Ta sẽ làm cho chúng sanh an lạc - Đại Chính Tân Tu (ĐCTT, qu.3, tr 463C).

Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi chép "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Tam giới giai khổ, hà khả lạc giả ?" (Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tôn quý nhất. Ba cõi đều khổ, ai là người có thể đem lại sự an lạc ? - ĐCTT, qu.3, tr 473C).

Kinh Phổ Diệu nói "Thiên thượng thiên hạ vi thiên nhân tôn" (Trên trời dưới trời Ta là bậc tôn quý của trời và người - ĐCTT, qu.3, tr 494A).

Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi thuật "Thiên thượng thiên hạ, tôn vô quá ngã giả" (Trên trời dưới trời bậc tôn quý nhất không ai bằng Ta - ĐCTT, qu.3,tr 618A).

Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả ghi "Ngã ư nhất thiết thiên nhân chi trung tối tôn tối thắng. Vô lượng sanh tử ư kim tận hỷ" (Ta, đối với tất cả hàng trời người là bậc tối tôn tối thắng. Vô lượng sanh tử từ nay chấm dứt - ĐCTT, qu.3, tr 625A).

Kinh Phật Bản Hạnh Tập ghi "Thế gian chi trung, ngã vi tối thượng. Ngã tùng kim nhật, sanh phần dĩ tận" (Ở trong thế gian, Ta là bậc cao nhất. Từ nay, việc sanh tử của Ta đã đoạn tận - ĐCTT, qu.3, tr 687B). Ngoài ra, còn nhiều kinh sử khác như : Phật Sở Hành Tán (ĐCTT, qu.4,tr 1B), Đại Đường Tây Vực Ký (q.6), Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự (q.20) .v..v... đều có thuật lại sự kiện Đản sanh. Tuy có khác biệt đôi chút về phần cuối kệ tụng, song đa phần vẫn thống nhất ở phần đầu kệ : "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn".

Về ý nghĩa của câu "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn" thường được hiểu theo hai phương diện cơ bản như sau :

Thứ nhất, tuy có nói "duy ngã độc tôn" nhưng hoàn toàn vắng mặt cái Ta, chấp ngã, vì Ngài đã chứng đắc và thành tựu tuệ giác vô ngã. Ở đây, chỉ đơn thuần là khẳng định, xác chứng một sự thật của người đã thành tựu giải thoát tối hậu. Ngài khẳng định cho chúng sanh trong ba cõi rằng Ngài đã đoạn tận phiền não, hoàn toàn giải thoát, là Bậc thù thắng nhất, bậc tôn quý nhất ở thế gian, không có chúng sanh nào có thể sánh với phước đức và trí tuệ của bậc Như Lai. "Một người, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài chúng sanh. Một người là ai ? Chính là Như Lai, bậc A La Hán, Chánh đẳng giác" (kinh Tăng Chi Bộ I, phẩm Một Người).

Về 1 phương diện khác, "duy ngã độc tôn" là 1 sự khám phá toàn triệt về tự ngã. Vì vô minh, bị trói buộc và sai khiến của tự ngã nên chúng sinh mãi chìm đắm, trôi lăn trong sáu đường sanh tử. Nên khi thành Đạo, Ngài đã tuyên bố : "Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Hởi kẻ làm nhà, nay ta đã gặp ngươi rồi, ngươi không thể làm nhà được nữa. Cột, đòn tay, xà nhà của ngươi đã bị đập tan vụn cả rồi..." (Pháp Cú -154).

Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn không thể mang ý nghĩa tự tôn, cao hạ. Ngoài sự khẳng định và xác chứng vị giải thoát tối hậu, sự khám phá và chinh phục tự ngã đồng thời biểu hiện lòng từ bi vô lượng nhằm độ thoát chúng sinh.

Pháp Môn Nào Hay Nhất ?

Hỏi : Kinh Pháp Hoa nói rằng kinh này là bậc nhất trong các kinh. Những kinh Tịnh Độ cũng nói rằng pháp môn Niệm Phật là bậc nhất. Cùng với nhiều kinh khác nữa cũng nói rằng pháp môn được giới thiệu trong những kinh ấy cũng là bậc nhất. Vậy kinh nào hay pháp môn nào thuộc về bậc nhất ?

Đáp :

Phần lớn các kinh thuộc hệ Đại thừa đều có chung phương thức giới thiệu, triển khai một pháp môn tu tập và kết luận kinh này hoặc pháp môn kia là bậc nhất, tối thắng. Sở dĩ có sự khẳng định như vậy là vì trọng tâm của các kinh này đề cập đến phương diện bản thể luận, giải thoát luận; giới thiệu phương thức thể nhập Như Lai tạng, Phật tính, Chân như, Niết Bàn..v..v...

Qủa là bậc nhất trên phương diện giáo lý. Nhưng về mặt cứu cánh, thì tuy có nhiều con đường tu tập nhưng chỉ có 1 mục đích đi đến, như "trăm sông đều xuôi về biển, tất cả pháp môn đều hướng về Niết Bàn, giải thoát". Do vậy, bất cứ pháp môn nào nếu người tu tập thể nhập được Chân tâm, chứng quả Niết Bàn giải thoát phiền não sanh tử... thì đó là pháp môn bậc nhất. Ngược lại, học toàn là những kinh rất cao, rất tối thắng mà không thực hành được gì để giải thoát phiền não sanh tử, lợi lạc quần sanh thì xếp những người này vào bậc thứ mấy ?

Cho nên "nhứt" hay "không nhứt" là do căn cơ và tùy theo kết quả tu tập của mỗi người.

Vãng Sanh

Hỏi : Người không tu pháp môn niệm Phật thì có được vãng sanh về Cực Lạc Không ? Nếu không thì họ sanh về đâu ?

Đáp :

Đối với các hành giả phát tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, cầu sanh Tịnh Độ, nếu tinh tấn niệm Phật đến chỗ "nhứt tâm bất loạn" chắc chắn được vãng sanh. Tùy theo năng lực tu tập của mỗi người mà vãng sanh vào một trong chín phẩm hoa sen ở Tây phương Cực Lạc, cảnh giới y báo của Phật A Di Đà.

Riêng đối với những hành giả chọn những pháp môn tu tập khác như tu Thiền chẳng hạn, mục đích chính của những vị này là đoạn trừ phiền não và thành tựu giải thoát. Lẽ tất nhiên nếu đã hoàn toàn giải thoát, thành tựu Niết bàn thì không còn liên hệ đến tái sanh nữa ngoại trừ vị ấy phát thệ nguyện tái sanh để hành Bồ tát đạo, cứu độ muôn loài.

Trong trường hợp chưa đạt được giải thoát hay chưa được vãng sanh trong đời này thì họ sẽ tái sanh vào một cảnh giới tương xứng với thiện nghiệp của họ đã tạo ra. Có thể họ sẽ tái sanh vào các cảnh giới tốt đẹp, phước báo thù thắng (như Đao lợi Thiên, Đẩu suất Thiên, Tịnh cư thiên...) và ngay cả trong cõi người có đầy đủ thiện duyên để cho họ tu tập thêm đến chỗ giải thoát hoàn toàn.