NAM HẢI QUAN ÂM
Phan Quốc Sơn
 

Tranh tượng Nam Hải Quan Âm bắt đầu xuất hiện khi núi trên đảo Phổ Đà (miền nam Trung quốc) được xem là nơi linh trú của Quan Âm, biểu hiện thánh địa Bồ Đà Lạc Ca trong kinh Phật.

Hình ảnh mới này của Nam Hải Quan Âm khác với hình tượng cổ thường được gọi là Quan Âm Bồ Đà Lạc Ca, nay một số vẫn còn lưu truyền. Quan Âm Bồ Đà Lạc Ca là hình Bồ tát nam, phong thái tuấn tú. Ngài thường có râu mép, thân hình tráng kiện, ngồi trong tư thế Du Hí, mà các nhà khảo cổ mỹ thuật thường gọi là ngồi thế vương tọa (royal ease).

Trái lại, Nam Hải Quan Âm xuất hiện qua dạng Bồ Tát nữ, hình dung không mấy khác với Quan Âm Thủy NguyệtBạch Y Quan Âm có từ trước. Trong tranh họa, Ngài ngồi trên một phiến đá, đàng sau có khóm trúc, dưới ánh trăng tròn. Trên tay Ngài cầm bình cam lồ có cắm nhánh dương liễu, hoặc bình đặt bên cạnh Ngài. Bên Ngài có hai người hầu trai, gái. Qua hình ảnh khác, Ngài thường được diễn tả đứng trên đầu ngọn sóng, hay trên thân một con kình ngư quẫy trên ngọn sóng. Sau hết, 1 con két trắng bay trên khoảng không bên phải Ngài, ngậm 1 xâu chuổi anh lạc.

Từ đời Tống (960-1279) trở đi, các họa sĩ Trung Hoa thường vẽ các bộ tranh gọi là 33 ứng thân của Quan Âm Bồ Tát, trong ấy có 4 ứng thân của Quan Âm Thủy Nguyệt, Bạch Y, Dương Liễu, Kình Ngư. Nam Hải Quan Âm ra đời sau hết, và là tổng hợp riêng của bốn ứng thân trên. Một trong những bức tranh xuất hiện sớm nhứt vào đời Nguyên do Triệu Khải vẽ năm 1313, phổ diễn đầy đủ hình tướng của Nam Hải Quan Âm. Khúc ca trong vở nhạc kịch cổ "Tiên Nữ Tán Hoa" phác họa trọn vẹn hình ảnh Ngài Quan Âm khi đoàn tiên nữ cất đoàn hát

      Phổ Đà cung

      Của Ngài Quan Âm mặt nguyệt

      Thiện Tài, Long Nữ chầu hai bên

      Chim Anh Ca trắng

      Bình Cam lồ

      Giọt nước cành dương

      Cứu khổ, cứu nạn chúng sinh.

Hình tượng Nam Hải Quan Âm đầu tiên có từ khi nào ? Điển tích trong kinh nào minh giải sắc tướng Ngài Quan Âm trong tranh ?

Có lẽ cùng với sự thành hình đảo Phổ Đà làm thánh tích hành hương cho tín ngưỡng Quan Âm đã góp phần vào sự ra đời hình ảnh của Ngài, rồi kinh văn giải minh mới có sau. Một trước tác quảng bá thánh tích Phổ Đà và ứng thân mới của Nam Hải Quan Âm là cuốn Nam Hải Quan Âm Toàn Truyện soạn vào thế kỷ 16 với một nội dung dựa theo cuốn Hương Sơn Bảo Truyện, chép những nét tương đồng giữa thánh tích Hương SơnPhổ Đà.

Sau khi xuống thăm địa ngục, Diệu Thiện được Phật phái về tu ở núi Hương Sơn. Phật còn nói thêm là Hương Sơn ở miền biển Nam xa, nằm ngoài khu vực nước Việt (Hương Sơn tại Nam Hải viễn dương, Việt quốc ngoại vực). Điều cần nhấn mạnh ở đây là các nhà chú giải Trung quốc đời sau đều diễn dịch câu trên một cách sai lầm. "Ngoại vực nước Việt" : là vùng bên ngoài nước Ngô Việt (bên Tàu), chắc chắn không phải là vùng nằm phiá dưới vịnh Bắc bộ nước ta ngày nay, mặc dầu nước ta xưa cũng có tên nước Việt vào đời Triệu Đà).

Phật nói trên đảo có cái đền cổ, nơi các vị tiên đời xưa xuất trần ẩn cư. (Ở đây chú giải Trung quốc lại đoán có lẽ là núi La Phù, vào đời Hán có các vị đạo sĩ luyện tiên đan ở am Mi Phù theo sách Phổ Đà Chí. Nhưng trong sử liệu, La Phù thực ra nằm ở cực Bắc nước ta, nay giáp giới tỉnh Quảng Tây tức trong đất liền, không phải ngoài hải đảo). Diệu Thiện còn được thụ pháp tu hành trên đỉnh núi Phổ Đà (Nam Hải Quan Âm Toàn Truyện, 18b).

Truyện cũng đưa ra lời dẫn giải theo kiểu dân gian (thế cho lời giải trong chánh kinh Phật giáo) về tượng tam thân Quan Âm với 2 người hầu, là Thiện TàiLong Nữ. Bộ tượng tam thân này, xuất hiện lần đầu trong nghệ thuật Phật giáo vào thế kỷ mười hai. Chánh kinh chép Quan Âm khi thì với Thiện Tài, khi khác với Long Nữ, chứ không bao giờ Ngài có mặt cùng một lúc với cả hai.

Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử (sudhana) là đệ tử trẻ đi tìm 50 vị đại sư để học đạo. Và Quan Âm là vị thầy thứ ba mươi lăm. Còn điển tích Long Nữ, có lẽ bắt nguồn từ kinh Mật giáo tán dương đức mầu của Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn. Tượng Quan Âm tay cầm vòng giây Bất Không Quyền Sách (Amoghapasa), xuống thăm thủ phủ của Long Vương. Long Vương đã cúng dường Ngài một viên bảo châu để tạ ơn. Lại nữa, nguồn gốc Long Nữ có thể xuất phát từ kinh Pháp Hoa vì sự quá phổ biến của kinh này, dù Long Nữ không có mối quan hệ gần gũi nào với Bồ Tát Quan Âm trong kinh này.

Truyền tích một cặp nam nữ hầu cận, biểu tượng âm dương, xuất phát từ Lão giáo. Có lẽ đôi Thiện Tài và Long Nữ là sáng tạo của Phật giáo để đối lại với Kim Đồng và Ngọc Nữ của Lão giáo theo hầu cận Ngọc Hoàng, tích có từ đời Đường (618-907).

Nam Hải Quan Âm Toàn truyện thuật sự tích hai đồng tử trở thành hầu cận của Quan Âm. Thiện Tài là cậu bé mồ côi, sống bơ vơ trên núi Đại Hoa Sơn. Để thử lòng trung nghĩa của cậu bé, Diệu Thiện xin thần Thổ Địa hóa chư tiên ra thành một lũ thảo khấu ác độc, họ ép bà (Diệu Thiện) nhảy xuống vực sâu. Không đắn đo Thiện Tài bèn nhảy theo bà. Chết đi vong hồn bay lên không, trong ánh sáng ban ngày, Quan Âm bảo Thiện Tài nhìn xuống thấy thi hài mình đang nằm đáy vực (22a-24a).

Kế đến, tác giả kể chuyện Long Nữ. Quan Âm đã có lần cứu mạng cho người con trai thứ ba của Long Vương, hiện thân con cá chép mắc lưới. Quan Âm khiến Thiện Tài mang 1 xâu tiền chuộc cá chép từ ngư ông, rồi phóng sinh lại vào nước. Để tạ ơn, Long Vương dâng Quan Âm một viên dạ minh châu cứ đêm về chiếu sáng, để ngài làm đèn đọc kinh. Người con gái được phái đi dâng viên bảo châu cho Quan Âm là con của vị hoàng tử thứ ba nguyên hình cá chép ấy, tức cháu nội Long Vương, khi gặp ngài rồi bèn xin ngài nhận làm đệ tử. Quan Âm thuận và dạy phải xem Thiện Tài như anh mình (24b-25b).

Tác giả Toàn truyện tỏ ra cư xử bình đẳng với các nguồn điển cố Phật giáo khác. Trong đoạn cuối truyện mô tả toàn bộ tôn thất nhà vua được phong làm thần. Sau khi Diệu Thiện hoàn tất công phu tu luyện vào ngày mười chín tháng hai âm lịch, Địa Tạng Bồ Tát và thổ thần quyết tâm tôn bà lên ngôi nữ thần Nhân Thiên Phổ Môn giáo chủ, cai quản chư Bồ Tát trong trời đất, đích thực là ngôi Nữ Chúa Thiên Vương.

Ngài Hoàng Đế phong danh chức cho cả ba công chúa. Diệu Thiện được xưng là "Diệu Quan Âm Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn" và được cất phong đảo Phổ Đà Sơn đời đời làm giáo chủ. Hai Công chúa chị được xưng hiệu là Văn Thù Bồ TátPhổ Hiền Bồ Tát được ngự trị ở Ngũ Đài Sơn. Hai bà được ban cho hai con linh thú để cưỡi, Thanh sưBạch tượng. Hai linh thú nầy vốn xưa kia đã trốn khỏi phận sự canh giữ cung điện cho Đức Thích Ca Mâu Ni, tìm đến hãm hại hai chị em công chúa và được Diệu Thiện Quan Âm hiện đến cứu kịp thời.

Đoạn, truyện còn thêm thắt nhằm nêu ra nguồn gốc bộ tượng tam Thánh Văn ThùPhổ Hiền chầu hai bên Quan Âm, là bộ tượng bắt đầu phổ biến từ đời Tống (960-1279) về sau. Cho đến nay, tượng tam thánh được tìm thấy có niên đại xưa nhất là cuối đời Đường tại vùng Đại Từ, tỉnh Tứ Xuyên, (nước Thục cũ), có hình Quan Âm (qua dạng nghìn mắt nghìn tay) được chầu hai bên bởi Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền Bồ Tát.

Còn ngoài ra, loại tượng phổ biến hơn cả là Phật Đại Nhật Như Lai (Vairoçana) đứng giữa, chứ không phải Quan Âm, thường gọi là "Hoa Nghiêm Tam Thánh". Nhưng kể từ đời Minh (1368-1662) trở đi, tượng Tam Thánh này ngày càng được thờ trong rất nhiều chùa. Đồng thời kỳ tượng Tam Thánh này quảng bá rộng rãi, còn xuất hiện tượng Quan Âm cưỡi trên con thú gọi là Hầu, nửa giống hổ nửa giống sư tử.

Khi Hương Sơn trở thành 1 thắng tích chiêm bái lừng danh giống như Phổ Đà Sơn thì Nam Hải Quan Âm trong mắt tín đồ là hoàn toàn thành người nữ, như công chúa Diệu Thiện.

Quan Âm còn được đặt tên là Nam Hải Quan Âm trong cuốn truyện trứ danh Tây Du Ký cũng vào thế kỷ 16 của Ngô Thừa Ân (1500-1582). Cũng trong thế kỷ này, Phổ Đà sơn hồi sinh sau một thời gian chìm vào quên lãng, thành một trung tâm hành hương lớn nhờ sự bảo trợ của vua Minh Vạn Lịch và mẹ là bà Lý Thái Hậu.

Qua các thế kỷ mười bảy, mười tám, đảo Phổ Đà tiếp tục được sự bảo trợ của triều đình nhà Thanh, dưới đời các hoàng đế Khang Hy, Ưng ChánhKiền Long. Nên không phải ngẫu nhiên mà hình tượng Nam Hải Quan Âm xuất hiện để rồi dần thay thế tất cả hình Quan Thế Âm khác trong mấy thế kỷ sau này. Trong công tác tái tạo thánh tích này, các quan chức địa phương cùng hợp tác với các vị cao tăng. Dòng văn học tiểu thuyết Phật giáo "Bảo Truyện" ra đời vào thời kỳ này có thể được phát động để quảng bá Phổ Đà là thánh địa mới. Dòng văn học truyền thuyết dân gian cũng được xem là thước đo về sự nổi tiếng một sớm một chiều của hòn đảo linh thiêng này.

Trong số đó có hai tác phẩm được tán dương là cuốn Thiện Tài Long Nữ Bảo Truyện, và truyện ca tụng con két trắng có tên là Anh Ca Bảo Truyện.

Chúng ta hãy đi vào nội dung hai tác phẩm này 1 cách sơ lược vì chúng góp phần cấu trúc thành tín ngưỡng dân gian Nam Hải Quan Âm thời đại quân chủ Trung quốc và truyền sang Việt Nam mãi đến ngày nay.

Thiện Tài Long Nữ Bảo Truyện

Truyện thuật lại sự tích Quan Âm đã tuyển chọn 2 người hầu nam nữ và chim két. Thiện Tài vốn là con trai 1 vị tể tướng họ Trần sống vào thế kỷ thứ chín, đời Đường. Bấy giờ quan tể tướng họ Trần tuổi đã năm mươi, nhưng chưa có con trai nối dõi. Nên hai vợ chồng đến Phổ Đà Sơn cầu xin vị Nam Hải Đại Sĩ ban cho một mụn con trai. Đọc được số ông không có con trai, Quan Âm bèn ban cho ông một đứa bé trai đặt tên Chiêu Tài Tòng Tử, kiếp trước là người hầu của Từ Phụ Thiên Quan, để cho người cha có thể hưởng được phước đức đạo vị giác ngộ ngày sau của con.

Thằng bé tuổi còn thơ nhưng đã tỏ ra thiên tư đạo hạnh khác thường. Người cha gửi con đến thọ giáo một vị thầy không ai khác chính là Hoàng Long Chân Nhân người bạn "vong niên" của Diệu Thiện và là nhân vật chính trong cuốn Quan Âm Chí Từ Bản Nguyện Chân Kinh, một bản kinh mới ra đời vào thế kỷ mười bảy của giáo phái Tiên Thiên Đạo (Lão giáo).

Riêng trong cuốn Bảo Truyện này, đích thân Quan Âm xin với Tiên Ông hiện xuống ở hang đá gần nhà thằng bé, và làm sư phự truyền pháp cho nó, ban pháp danh là Thiện Tài. Ba năm trôi qua, việc học hành tiến bộ, cậu bé rất siêng năng chưa một lần về thăm nhà. Một hôm để thử lòng chú tiểu, thầy dặn dò chú ở lại hang trông nom, để thầy đi thăm bạn. Hôm ấy nhằm ngày sinh nhật cha mình, Thiện Tài tỏ ra buồn bã nhớ nhà mới định lén bỏ về thăm nhà.

Khi sắp sửa ra đi, chú bị chặn ngang bởi tiếng kêu cứu thiết tha bằng giọng một cô gái phát ra từ một con rắn thần. Rắn đang mắc kẹt trong một cái tiểu bình. Sau khi Thiện Tài ra tay cứu rắn thoát khỏi bình, rắn vội biến thành một con mảng xà vĩ đại chực bắt chú bé ăn thịt, vì nó nhịn đói đã mười tám năm. Chứng kiến cảnh đó, chư tiên vội họp nhau, bàn cãi về đề tài "lấy ơn trả oán hoặc lấy oán trả ơn", có nhiều vị tiên được kêu ra làm nhân chứng, trong đám ấy có cả Trang Tử.

Về sau Quan Âm ra tay cứu Thiện Tài và dụ rắn bò lại và bị bắt giam trong chiếc bình cũ. Rồi ngài mang chiếc bình đặt trong động Hải Triều Âm và dạy nó tu pháp giải trừ chất độc trong tâm. Nó vâng lời, trì công tu luyện suốt bảy năm liền, cuối cùng biến thành Long Nữ, còn trái tim nhiểm độc ngày trước nay đã biến thành viên ngọc Dạ Minh Châu, dâng cúng dường Ngài Quan Âm.

Sự Tích Chim két Trắng là "Anh Ca Bảo Truyện"

Chim theo hầu chư thánh và các vị thần tiên vốn không xa lạ với các loại thần thoại cổ. Chẳng hạn, Bà Tây Vương Mẫu dùng chim xanh làm sứ giả, đến nổi thuật ngữ nhân gian. Á Đông phổ biến danh từ "chim xanh" để chỉ người mai mối trung gian. Kinh A Di Đà (hay Tịnh Độ tiểu phẩm) chép rằng chim Anh Vũ, chim Ca Lăng Tần Già (kalavinka) cùng các giống chim quý trong nước cực lạc hót thành âm thanh đạo pháp, làm lợi cho chúng sanh sinh được vào cõi nước ấy.

Trong số các kinh truyện Phật giáo, chim két đã đóng vai chính. Trong văn học bản sanh (Jakata) phổ biến ra khắp Á Châu song song với cuộc hoằng bá Phật Pháp lần đầu tiên ra khỏi quê hương Ấn Độ. Những truyện ngụ ngôn trong tác phẩm này đã được đưa vào Lục Độ Tập KinhTạp Bảo Tạng Kinh lần đầu dịch sang Hán văn bởi tỳ kheo Khương Tăng Hội (?-280) tại Giao Châu, nước ta vào thế kỷ thứ ba. Các Kinh này chắc hẳn đã gây ảnh hưởng sâu rộng khắp Trung quốc, vì còn lưu lại đó những dẫn chứng trong nghệ thuật Phật giáo cổ truyền qua khám phá lý thú những tượng pháp phù điêu ở chùa Đại Phật Khê trên núi Bảo Tịnh, huyện Đại Từ tỉnh Tứ Xuyên, có chạm một tích ông hoàng Kiên Nhẫn móc mắt mình đễ cứu bệnh cho cha, có cảnh 1 con két ngậm cành bông lúa. Dòng chữ kế bên trích từ Tạp Bảo Tạng Kinh (4-449), với lời chú thích rõ ràng cho biết tích này lấy từ văn tập Bản Sinh (Jakata).

Truyện ngụ ngôn này kể thời tiền kiếp Đức Phật còn là một con két, thường tha lúa từ ruộng một nông dân. Người ấy nguyện trồng luá để bố thí nuôi chúng sinh. Ngày nọ người chủ ruộng ấy bắt gặp chim nhặt luá, tức giận và giăng bẫy bắt được chim két. Chim bèn nhắc ông nhớ lại lời nguyện của mình. Ông chợt chớ lời nguyện tỏ ra hối hận và thả chim ra (Đạo Từ Thích Ca Duyên Túc 270). Trong một truyện khác của Kinh Bản Sinh (Truyện thứ 62 trong Lục Độ Tập Kinh (3-34a) chim két bay thoát tay người bắt giữ nó nhờ ngã ra giả chết.

Thế nhưng, tích chim két cũng rõ ràng là bắt nguồn từ những nội dung văn học đại chúng. Năm 1967, người ta tình cờ thu nhặt một tập thơ Từ Hoa chôn trong một ngội cổ mộ đời Minh tại Gia Tĩnh, ngoại ô Thượng Hải. Tập thơ gồm 16 bài in vào thời Thành Hóa, chôn theo mộ táng, nên có lẽ người quá vãng lúc sinh tiền rất ái mộ các bản kịch thơ này, in mộc bản ở Bắc Kinh và kèm theo nhiều hình khắc họa.

Một truyện trong số ấy nhan đề Tân San Toàn Tướng Anh Ca Hiếu Nghiã Truyện. Nội dung chuyện tả lòng hiếu thảo của con két với nhiều tình tiết ly kỳ. Chắc nó tạo thành nền tảng cho các Bảo Truyện Phật giáo đời sau.

Thời gian câu truyện là về đời Đường, thời thái bình thịnh trị, cả nước theo Phật giáo. Không gian là ở huyện Long Châu (nay là Cam Túc). Gia đình vợ chồng két có một két con lông trắng như tuyết, cực kỳ khôn ngoan, biết nói tiếng người, có tài xuất khẩu thành thơ, hay niệm Phật A Di Đà. Ngày nọ cha két đi tìm quả, bị chết về tay hai anh em thợ săn họ Vương. Két mẹ đi tìm chồng khóc mù mắt. Két con đi tìm quả về nuôi mẹ thì bị hai anh em thợ săn bắt được, bán lại cho một phú hộ giàu. Két được ông bà chủ cưng, hay bắt làm thơ để họ mua vui.

Tiếng tăm làm thơ của két lan rộng đến tai một ông quan. Ông ấy đoạt két đem về dâng cho vua. Về với vua, két mới nghỉ kế báo thù cho cha, giả bộ không biết làm thơ, nhà vua cả giận bắt hành hình hai anh em thợ săn. Từ đó két mới nói, làm thơ cho vua nghe. Ngày nọ, két được vua cho về thăm mẹ. Về đến tổ, mới hay mẹ đã chết. Két làm lể phát tang cho mẹ rất lớn, có các thầy tụng kinh Phật giáo và Lão giáo, dưới sự chủ trì của Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng với sự tham dự của muôn loài chim quý. Sau đó két vẫn buồn khổ thương nhớ mẹ, được thổ thần sai đến chầu Quan Âm. Ngài động lòng vì tình hiếu thảo của két và độ cho cha mẹ két được vãng sinh vào Cực Lạc. Ngài cũng cho két theo Ngài về biển Nam. Từ đó về sau, lúc nào két cũng ở cạnh Quan Âm.

Anh Ca Bảo Truyện đã kết thúc : "Bồ Tát Quan Âm đứng trên đầu con linh ngư và Thiện Tài đứng trên đoá sen. Cả 2 lướt sóng chầm chậm về rừng Tử Trúc Lâm (rừng tre màu tím). Người ta cũng thấy con két trắng ngậm chuổi Anh Lạc bay ra đón Bồ Tát. Hình ảnh này vẫn còn truyền lại đến ngày nay".

Khi viết những giòng chữ này, có thể tác giả đã ngắm bức tranh thực sự để trước mặt. Đồng lúc với sự nổi tiếng của thánh địa Phổ Đà từ thế kỷ mười sáu trở đi, Nam Hải Quan Âm qua ứng thân ấy càng phổ biến thêm. Khách hành hưong chiêm bái bắt đầu tưởng tượng đến Quan Âm có bộ ba theo hầu : Thiện Tài, Long Nữcon két trắng giống như tranh vẽ hiện nay.

Các ứng thân của Quan Âm có lẽ bắt nguồn bằng những chuyện linh dị tương truyền vào phong tục hành hương chiêm bái, Sau đó nền văn học và nghệ thuật truyền bá đến đại chúng qua những hình ảnh ấy. Khắp Trung Quốc, mỗi ứng thân Quan Âm đều có liên hệ tín ngưỡng từng địa phương, tùy theo mỗi sự tích hình tượng diễn tả. Chẳng hạn tích về công chúa Diệu Thiện phát hiện tại Hà Nam, Mã Lang Phụ, và Ngư Lam Quan Âm ở Thiểm Tây, Bạch Y Quan Âm ở Hàng Châu, và Nam Hải Quan Âm ở đảo Phổ Đà tỉnh Chiết Giang.

Thế nên, Quan Âm từ 1 sản phẩm ngoại nhập, vốn là 1 nam Bồ Tát biến tướng thành nữ Bồ Tát tế độ dòng tín ngưỡng này còn lưu truyền. Tích công chúa Diệu Thiện và Mã Lang Phụ đã phai mờ, chỉ còn Bạch Y Quan ÂmNam Hải Quan Âm vẫn còn được tôn thờ. Lại nữa, khi địa danh Phổ Đà, tượng trưng Bồ Đà Lạc Ca (Potalaka) linh trú của Quan Âm được bản địa hóa trên đất Trung Hoa thành thánh tích chiêm bái cho khách hành hương trong và ngoài nước vào đời Minh, thì đức Nam Hải Quan Âm là cộng thân chung cho cả Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Ngư Lam, và Bạch Y Quan Âm.

Khi đọc qua các truyện linh nghiệm truyền tụng về huyền thoại Phổ Đà, ta có thể nhận thấy bóng dáng các ứng thân Quan Âm đồng loạt hiện ra. Thế nên khi ta xem xét hình ảnh Nam Hải Quan Âm, ta còn nhận ra thấp thoáng ẩn hiện các hình dáng khác của Ngài. Hình này không xóa mất hẳn hình kia nhưng trùng nhập một loạt các ứng thân (Duara 1988/778-95). Bản tướng của Nam Hải Quan Âm là di sản tín ngưỡng cổ truyền, nhưng đã phong phú thăng hoa thêm nhờ các thành tích hóa hiện xen với các hiện tướng khác, cùng lúc thu hóa những nét mâu thuẫn dị biệt nhau, mà đồng chứng thực và bổ túc cho nhau về sự hiển linh mầu nhiệm của Ngài trong con mắt tín chúng.

Phan Quốc Sơn

Khảo Cứu Về Quan Thế Âm Bồ Tát