Thiền sư Minh Hải |
và sự khai sáng Thiền phái Chúc Thánh |
1/. Sự ra đời của Thiền phái Chúc Thánh Trước khi thiền phái Chúc Thánh ra đời, tại Quảng Nam đã có nhiều vị thiền sư danh tiếng giáo hóa như : Minh Châu, Thạch Liêm, Hưng Liên, v.v... Tuy nhiên, các Ngài chỉ trụ một thời gian rồi ra đi. Ngài Minh Châu cùng với 50 đệ tử vượt biển ra Đàng Ngoài vào tháng 3 năm Nhâm Tuất (1682). Có thể sợ bị liên lụy nên không một vị đệ tử nào của Ngài ở lại Quảng Nam tiếp tục giáo hóa. Vì thế, sự ảnh hưởng của Ngài mau chóng phôi phai theo năm tháng. Kế đến là hai thầy trò ngài Thạch Liêm và Hưng Liên của dòng Tào Động. ngài Thạch Liêm qua chỉ một thời gian ngắn, còn ngài Hưng Liên được phong Quốc sư và trụ tại chùa Tam Thai. Tuy nhiên, sau khi ngài Thạch Liêm về nước và ngài Hưng Liên viên tịch thì sự truyền thừa của dòng Tào Động tại Quảng Nam xem như không còn. Điều này có hai lý do giải thích như sau : Thứ nhất, ngài Thạch Liêm và Hưng Liên đều là những vị tài giỏi nhưng tầm ảnh hưởng của các Ngài chỉ trong nội vi nhà Chúa và giới lãnh đạo mà thôi, chứ chưa có sự ảnh hưởng lan rộng trong lòng quần chúng Phật tử. Thứ hai, sau khi ngài Hưng Liên viên tịch, các đệ tử của Ngài không ai có đủ khả năng kế thừa Ngài để phát triển tông phong. Vì lẽ đó, dòng Tào Động cũng mai một và không còn dấu tích trên đất Quảng. Sự hoằng hóa của các thiền sư kể trên đã làm cho người dân đất Quảng thấm nhuần Phật pháp. Nhưng các Ngài tùy duyên giáo hóa, chợt đến chợt đi khiến cho người con Phật nơi đây cảm thấy hụt hẫng, thiếu thốn. Chính vì lẽ đó, khi thiền sư Minh Hải quyết định trụ lại Quảng Nam hoằng hóa đã đáp ứng được niềm khát khao mong đợi của đa số tín đồ quần chúng. Nếu như các ngài Minh Châu, Thạch Liêm là người có công xây dựng nền móng thì ngài Minh Hải là người có công kiến tạo tòa nhà Phật giáo Quảng Nam. 2/. Lược sử Thiền sư Minh Hải Thiền sư Minh Hải (1670-1746) thế danh Lương Thế Ân, sinh vào giờ Tuất, ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670) tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Thân phụ là Lương Đôn Hậu, thân mẫu là Trần Thục Thận, Ngài là người con thứ hai trong gia đình. Năm Mậu Ngọ (1678), khi vừa lên 9 tuổi, Ngài được song thân đưa đến xuất gia tại chùa Báo Tư thuộc tỉnh Phước Kiến (Trung quốc). Sau một thời gian dài tu học, khi tuổi tròn 20, Ngài được đăng đàn thọ cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo. Như vậy, Ngài nối pháp đời 34 dòng Lâm Tế truyền theo bài kệ của ngài Vạn Phong - Thời Ủy. Năm Ất Hợi (1695), Ngài cùng với các ngài Minh Vật - Nhất Tri, Minh Hoằng - Tử Dung, Minh Lượng - Thành Đẳng, v.v... trong hội đồng thập sư cùng Hòa thượng Thạch Liêm theo lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Chu sang An Nam truyền giới. Phái đoàn xuống thuyền tại bến Hoàng Phố và cập bến Hội An vào ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi (1695). Sau đó, đoàn ra Thuận Hóa, được chúa Nguyễn Phúc Chu đón tiếp trọng thể và thỉnh về ngụ tại chùa Thiền Lâm. Ngày mồng 1 tháng 4 năm Ất Hợi (1695), giới đàn khai mở do Ngài Thạch Liêm làm Đàn đầu Hòa thượng. Giới đàn truyền các giới Sa-di, Tỳ-kheo và Bồ-tát cho 1.400 giới tử trong đó có cả các vương hầu khanh tướng. Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Chu được truyền riêng một đàn giới và Hòa thượng đàn đầu đã ban cho pháp danh là Hưng Long. Sau khi giới đàn thành tựu, ngày 28 tháng 6 năm Ất Hợi (1695), phái đoàn trở vào lại Hội An để chờ thuyền về nước. Tại Hội An, đoàn trú ở chùa Di Đà (sau này đổi tên là Chiên Đàn) và thể theo lời thỉnh cầu của chư Tăng cũng như bổn đạo, ngài Thạch Liêm lập đàn truyền giới cho 300 giới tử. Ngày 19, đoàn rời Hội An ra Cù Lao Chàm, lên thuyền chờ gió. Ngày 30 thuyền nhổ neo nhưng bị nghịch gió nên phải trở lại Hội An. Ngày 12 tháng 10, chúa Nguyễn mời ngài Thạch Liêm trở lại Phú Xuân lập đàn cúng Phật truyền giới một lần nữa tại chùa Thiên Mụ. Sau đó đến ngày 24 tháng 6 năm Bính Tý (1696) ngài Thạch Liêm cùng với phái đoàn trở về Quảng Đông và không qua nữa. Sau khi ngài Thạch Liêm về nước, một số vị trong phái đoàn ở lại An Nam trác tích khai sơn hoằng hóa như ngài Minh Hoằng - Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tông ở Thuận Hóa (bây giờ là Chùa Từ Đàm), ngài Minh Lượng - Thành đẳng khai sơn chùa Vạn Đức - Hội An và ngài Minh Hải - Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh tại Cẩm Phô - Hội An. Từ những ngày đầu tiên ở nơi mảnh đất đầy cát bụi này, Ngài Minh Hải chỉ lập một thảo am để tịnh tu phạm hạnh. Dần dần hương giới đức của Ngài lan tỏa khắp mọi nơi, ảnh hưởng đạo đức đến người dân phố Hội và các vùng phụ cận nên đồ chúng ngày một quy ngưỡng tham học. Sau gần 50 năm sang An Nam hoằng hóa, đến ngày mồng 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746), Ngài gọi đồ chúng đến dặn dò và đọc kệ phú chúc: 原 浮 法 界 空
Nguyên phù pháp giới không
Sau khi phú chúc, Ngài thâu thần thị tịch, trụ thế 77 tuổi. Đồ chúng cung thỉnh nhục thân Ngài nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Chúc Thánh. 3/. Thiền sư Minh Hải với việc khai sáng Thiền phái Chúc Thánh Sau khi quyết định trụ lại Hội An để hoằng hóa, tổ Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh. Để việc truyền thừa có quy củ dài lâu, Ngài xuất kệ truyền pháp như sau : 傳 法 名 偈
Truyền pháp danh kệ :
傳 法 字 偈
Truyền pháp tự kệ :
Bài kệ này bao gồm bốn mươi chữ và được chia ra làm hai phần. Phần đầu gồm 4 câu được dùng để đặt pháp danh và phần còn lại để dặt pháp tự. Ngài Minh Hải có pháp danh chữ Minh và pháp tự là chữ Đắc. Tiếp đến, hàng đệ tử của Ngài theo thứ tự có pháp danh chữ Thiệt và pháp tự chữ Chánh như : Thiệt Diệu-Chánh Hiền, Thiệt Dinh-Chánh Hiển, Thiệt Đăng-Chánh Trí, v.v... Chính sự truyền thừa có thứ tự như vậy nên chúng ta dễ dàng nhận ra vị thiền sư nào là đệ tử ngài Minh Hải. Bởi vì, cùng thời với Ngài, có rất nhiều vị thiền sư thuộc đời 34 dòng Lâm Tế với pháp danh chữ Minh theo bài kệ của ngài Vạn Phong-Thời Ủy hoằng hóa tại Đàng Trong. Các vị này cũng cho đệ tử pháp danh chữ Thiệt theo câu kệ : "Hành Siêu Minh Thiệt Tế". Nếu không có pháp tự bằng chữ Chánh đứng đầu thì chúng ta khó phân biệt vị nào thọ giáo với thiền sư Minh Hải. Đây là điểm đặc biệt của dòng Chúc Thánh mà các thiền phái khác không có. Thiền phái Chúc Thánh là lấy theo tên ngôi chùa Chúc Thánh do tổ sư Minh Hải khai sơn. Từ đây, sữa Pháp lại được khơi dòng tại đất Quảng, lan tỏa khắp các tỉnh thành, góp phần rất lớn trong sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp. Về nội dung của bài kệ, chúng ta có thể hiểu như sau : Ở bài kệ truyền pháp danh, hai câu đầu là nói về Chân đế. Nghĩa là các pháp xưa nay vốn dĩ sáng tỏ tròn đầy, cùng với thể tánh Chơn như không có sự sai biệt. Hai câu sau nói về Tục đế, cầu cho Thánh quân sống lâu muôn tuổi và vận nước được dài lâu muôn thuở. Ở bài kệ truyền pháp tự, hai câu đầu mang ý nghĩa lấy giới luật làm tông, nên tuyên dương giới luật. Ban đầu, tổ Minh Hải đặt là "Đắc chánh luật vi tông", nhưng về sau, vì kỵ tên húy của vua Thiệu Trị nên có một số vị đọc trại chữ Tông lại chữ Tuyên (宣) như Chương Tư - Tuyên Văn; Chương Quảng - Tuyên Châu, v.v... hoặc chữ Tôn (尊) như Chương Đạo - Tôn Tùng; Chương Lý - Tôn Sư, v.v... Còn nội dung của hai câu cuối nói đến sự chứng ngộ của hành giả. Về ý nghĩa của hai chữ Chúc Thánh, chúng ta có thể hiểu hai nghĩa như sau : - Đứng về mặt Đạo pháp, là một người trưởng tử của Như Lai, chư tổ thuở quá khứ cũng như các thế hệ chúng ta ngày nay, ai ai cũng muốn cho chánh pháp cửu trụ thế gian để lợi lạc nhân quần xã hội. Ở đây, thiền sư Minh Hải lấy hai chữ Chúc Thánh để đặt tên cho ngôi chùa cũng có ý nghĩa như vậy. Thánh ở đây có nghĩa là Thánh đạo, Ngài muốn Thánh giáo luôn luôn tồn tại ở thế giới Ta-bà này để xoa dịu những nỗi thống khổ của kiếp nhân sinh. - Đứng về mặt Dân tộc, mỗi người chúng ta ai cũng muốn có những vị vua anh minh cai trị đất nước, đem lại hòa bình an lạc cho muôn dân. Vì thế, Chúc Thánh ở đây còn có nghĩa là Chúc cho Thánh quân thọ lâu muôn tuổi để trị vì thiên hạ. Bởi lẽ, giai đoạn tổ Minh Hải qua Đàng Trong là giai đoạn các chúa Nguyễn anh minh đang trị vì và Đàng Trong đang thời hưng thịnh. Đồng thời, các chúa Nguyễn là những vị nhiệt tâm hộ trì Phật giáo. Họ chính là những vị hộ pháp đắc lực cho chư tăng trong sự nghiệp truyền bá chánh pháp. Qua ý nghĩa hai chữ Chúc Thánh, chúng ta thấy được nơi đây có sự kết hợp hai yếu tố Đạo pháp và Dân tộc. Với hai chữ ngắn gọn, thiền sư Minh Hải đã gói trọn, dung hòa được cả hai yếu tố quan trọng này. Đồng thời, qua bài kệ truyền pháp, chúng ta thấy được sở ngộ, sở tu của tổ Minh Hải. Từ sự chứng ngộ siêu xuất đó, ngày nay thiền phái Chúc Thánh phát triển khắp các tỉnh miền Trung và Nam Việt Nam và sang tận Âu - Mỹ. 4/. Một vài nghi vấn về hành trạng của Tổ Minh Hải Cho đến nay, hành trạng của tổ sư Minh Hải còn có nhiều vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ. Chẳng hạn Tổ xuất gia với tổ sư nào tại chùa Báo Tư - Trung Quốc ? Đây là vấn đề quan trọng mà vẫn còn nằm trong bức màn bí mật của thời gian. Ở đây, người viết xin được làm rõ một vài nghi vấn về hành trạng của Tổ mà một số sách sử đã ghi nhầm. Tựu trung xoay quanh ba nội dung chính sau : a. Tổ Minh Hải có phải là đệ tử của tổ sư Nguyên Thiều ? Theo Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nguyễn Hiền Đức cho rằng tổ Minh Hải là đệ tử ngài Nguyên Thiều ? Nhận định ấy có chỗ chưa thỏa đáng. Chúng ta xác định lại vấn đề qua niên đại của tổ Nguyên Thiều và tổ Minh Hải. Tổ sư Nguyên Thiều (1648-1728) sinh ngày 18 tháng 5 năm Mậu Tý (1648) tại huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngài xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Báo Tư với thiền sư Bổn Khao - Khoáng Viên. Năm Đinh Tỵ (1677), Ngài theo thuyền buôn sang phủ Quy Ninh (Quy Nhơn - Bình Định) lập chùa Thập Tháp. Còn tổ sư Minh Hải, Ngài sinh ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670), tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến. Ngài xuất gia tại chùa Báo Tư khi lên 9 tuổi, tức là năm Mậu Ngọ (1678). Như vậy, khi ngài Minh Hải mới nhập chúng tu học thì ngài Nguyên Thiều đã sang An Nam rồi. Vì thế, ta có thể khẳng định ngài Minh Hải không phải là đệ tử của tổ Nguyên Thiều, mà có thể Ngài là sư điệt gọi tổ Nguyên Thiều bằng sư bá hoặc sư thúc. b. Có phải tổ sư Minh Hải khai sơn chùa Thiên Ấn - Quảng Ngãi ? Cũng theo Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nguyễn Hiền Đức cho rằng : vào những năm 1694-1695, tổ Nguyên Thiều và tổ Minh Hải có liên quan đến vụ nổi loạn của Linh Vương và Quảng Phú tại Bình Định và Quảng Nam. Vì thế, tổ Minh Hải vào núi Thiên Ấn đổi pháp danh là Pháp Hóa và khai sơn chùa Thiên Ấn; còn tổ Nguyên Thiều vào Đồng Nai đổi pháp danh là Siêu Bạch và khai sơn chùa Kim Cang. Điều này có đúng không ? Chúng ta có thể phân tích qua các yếu tố sau : - Những năm 1694-1695, Tổ sư Minh Hải mới qua An Nam thì làm sao dính líu đến vụ nổi loạn của Linh Vương. Lại nữa, nếu cả hai vị tổ sư đều dính líu đến Linh Vương thì làm sao ngài Nguyên Thiều được chúa Nguyễn Phước Trú sắc ban thụy hiệu là "Hạnh đoan thiền sư" ? Và liệu rằng, hàng đệ tử của tổ Minh Hải như Thiệt Diệu, Thiệt Dinh, Thiệt Thọ v.v... có thể yên tâm tu học duy trì Chúc Thánh trong khi bổn sư đi lánh nạn ? Chúng ta biết rằng, dưới chế độ phong kiến, một người làm loạn, ba họ bị tru di. Huống gì người thầy làm loạn mà học trò sống an ổn như vậy sao ? Vì thế, đây là lý do thứ nhất chứng minh ngài Minh Hải không phải là tổ khai sơn Thiên Ấn. - Theo bi ký chùa Thiên Ấn, thiền sư khai sơn thuộc đời 35 dòng Lâm Tế, có pháp danh Phật Bảo, tự là Pháp Hóa, thế danh Lê Diệt. Trên bia mộ có ghi rõ "Tự Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Ngũ Thế Pháp Hóa húy thượng Phật hạ Bảo Hòa Thượng Chi Tháp". Như vậy, vị tổ sư khai sơn chùa Thiên Ấn thuộc đời 35 truyền theo bài kệ của ngài Đạo Mân - Mộc Trần. Còn vấn đề thiền sư Thiệt Úy - Khánh Vân, đệ tử tổ Minh Hải kế thế thiền sư Phật Bảo - Pháp Hóa trụ trì chùa Thiên Ấn cũng là lẽ tự nhiên. Thiền sư Thiệt Úy sau khi thọ giáo với tổ Minh Hải ở Chúc Thánh thì về quê nhà tại Mộ Đức lập chùa Liên Tôn. Đến khi ngài Phật Bảo viên tịch, vì không có đệ tử kế thừa nên ngài Thiệt Úy lên kế vị trụ trì Thiên Ấn. Từ đó, chùa Thiên Ấn truyền thừa theo dòng Chúc Thánh và trở thành tổ đình của chi phái Chúc Thánh tại tỉnh Quảng Ngãi. Qua hai luận giải trên, chúng ta đi đến kết luận rằng : Tổ sư Minh Hải - Pháp Bảo và tổ sư Phật Bảo - Pháp Hóa là hai và tổ Minh Hải không phải là người khai sơn tổ đình Thiên Ấn như xưa nay mọi người ngộ nhận. c. Về hai bài kệ truyền pháp của Thiền sư Minh Hải Ngoài bài kệ truyền pháp tại Quảng Nam, chư tăng môn phái Chúc Thánh tại Bình Định có tìm ra một bài kệ truyền pháp như sau : 傳 法 名 偈
Truyền pháp danh kệ :
傳 法 字 偈
Truyền pháp tự kệ :
Nguyên nhân xuất hiện của bài kệ thứ hai này như sau : vào năm 1967, có một học sinh gốc người Hoa đến nộp đơn học tại trường trung học Bồ Đề Nguyên Thiều. Qua lý lịch thì được biết học sinh này có quan hệ thân tộc với tổ Nguyên Thiều. Theo sự yêu cầu của thầy giám học Thích Đổng Quán, gia đình em này cung cấp một số tư liệu về gia phả tổ Nguyên Thiều, trong đó có bài kệ này. Từ đó, chư tăng dòng Chúc Thánh tại Bình Định sau chữ Đồng thì truyền xuống chữ Vạn chứ không truyền xuống chữ Chúc. Như vậy, giữa hai bài kệ thì bài nào đích thực là của tổ Minh Hải phú chúc ? Xét nội dung hai bài kệ truyền pháp thì cũng không có gì sai lệch. Nội dung của bài kệ tại Bình Định nói về vạn pháp đều quy về một thể, đó chính là tánh không. Khi nào quán chiếu thấy rõ tâm không, pháp không thì đạt thành chánh quả. Ở đây, nhấn mạnh đến trí tuệ Bát Nhã, nói đến bổn tánh vắng lặng trong mỗi chúng sanh, chỉ vì vọng niệm nên trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Giống như mặt trăng bị mây mờ che khuất, khi nào mây tan thì mặt trăng lại lồng lộng tỏa sáng. Tuy nhiên, cả hai bài kệ đều lấy giới luật làm tông, tuyên dương giới luật. Đây chính là điều thiết yếu để đoạn trừ vô minh, bước vào dòng Thánh. Xét về mặt lịch sử truyền thừa, bài kệ tại tổ đình Chúc Thánh - Quảng Nam được truyền bá rộng rãi hơn. Còn bài kệ tại Bình Định mới phát hiện và được áp dụng truyền thừa trong phạm vi chư tăng môn phái Chúc Thánh tại Bình Định. Như vậy, chúng ta có thể giả định rằng : lúc đầu tổ sư Minh Hải làm bài kệ như Hòa thượng Thích Đổng Quán tìm được sau này, nhưng khi truyền pháp, để phù hợp với tên ngôi chùa mình khai sơn cũng như chúc cho minh chúa sống lâu để hộ pháp an dân nên Ngài mới đổi lại như vậy. Đây cũng là phương tiện quyền xảo trong việc hoằng pháp lợi sanh. Nhưng có một điều chúng ta thắc mắc : tại sao bài kệ của tổ Minh Hải không nằm trong gia phả của dòng họ Ngài mà lại nằm trong gia phả tổ Nguyên Thiều ? Mong rằng, về sau có những công trình nghiên cứu làm sáng tỏ vấn đề này. Như vậy, cả hai bài kệ đều do thiền sư Minh Hải lưu xuất cả. Tuy nhiên, về sự truyền thừa thì bài kệ tại tổ đình Chúc Thánh - Hội An có thời gian lâu dài và tầm ảnh hưởng rộng rãi hơn bài kệ tại Bình Định. Dù chư tăng các thế hệ về sau được đặt pháp danh với chữ Chúc, chữ Thánh hay chữ Vạn, chữ Hữu cũng đều thuộc pháp phái Chúc Thánh - Minh Hải tổ sư. Tất cả đều một tâm nguyện phụng sự Đạo pháp và Dân tộc theo như tinh thần của chư Tổ từ xưa đến nay. Tóm lại, kể từ khi tổ Minh Hải khai sơn, xuất kệ truyền thừa, tính đến giữa và cuối thế kỷ XVIII, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã có sự hình thành rõ nét. Sự hình thành này là nền tảng vững chắc để dòng Chúc Thánh phát triển mạnh về sau, góp phần then chốt cho sự phát triển của Phật giáo xứ Quảng. Thích Giải Nghiêm . - * * * - . BẢY PHÁP BẤT THỐI Nam mô Thập phương Thường trú Tam bảo Hôm nay nhân có đại chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa ma-na, Sa-di, Sa-di ni từ khắp nơi vân tập, tôi được Tăng-sai xin long trọng trùng tuyên BẢY PHÁP BẤT THỐI do đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni giáo huấn trong Kinh Du Hành, bộ Trường A Hàm. BẢY PHÁP BẤT THỐI này từ hơn hai nghìn năm trăm năm qua đã là nguyên tắc nền tảng mang lại sự thanh tịnh hòa hợp cho mọi tụ họp, và cũng là giềng mối tạo nên sự đoàn kết, hưng thịnh của chúng tỳ kheo trong mọi thời đại. Xin đại chúng tịch lặng lắng nghe. BẢY PHÁP BẤT THỐI hay BẢY PHÁP LÀM HƯNG THỊNH CHÚNG TỲ-KHEO : 1- Các Tỳ-kheo cần phải thường xuyên tụ họp, và tụ họp đông đảo để giảng luận Chánh pháp, khiến cho có sự hòa hợp trên dưới của các Tỳ-kheo. 2- Các Tỳ-kheo phải tụ họp trong tinh thần hòa hiệp, giải tán trong tinh thần hòa hiệp, và chấp hành Tăng sự trong tinh thần đoàn kết. 3- Chúng Tỳ-kheo không ban hành những luật lệ không thích hợp, những luật lệ không đáng được ban hành; và cũng không bãi bỏ những luật lệ đã được ban hành từ trước; sống đúng những gì đã được quy định bởi cộng đồng Tăng lữ. 4- Các Tỳ-kheo luôn luôn phải kính trọng, phục vụ các Tỳ-kheo trưởng lão, những vị có nhiều kinh nghiệm tu tập trong Chánh Pháp Luật, sẵn sàng nghe theo những lời khuyên dạy của các bậc trưởng thượng như thế. 5- Các Tỳ-kheo sống không bị lôi cuốn bởi những tham ái. 6- Trú xứ cộng đồng các Tỳ-kheo luôn luôn là những trú xứ nhàn tịnh. 7- Các Tỳ-kheo sống an trú trên chánh niệm tạo thành một cộng đồng sinh động, khiến cho các bạn đồng tu từ những phương khác nếu chưa đến thì muốn đến, đã đến thì muốn cùng sống và cùng tu tập trong sự an lạc. BẢY PHÁP BẤT THỐI đã được tuyên đọc, xin nhất tâm y giáo phụng hành. (3 lần) (HT Thích Tánh Thiệt, Phó Chủ Tịch Hồi Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu tuyên đọc trong lễ Hiệp Kỵ 19/9/10) |