Những chuyện linh ứng của Thần chú Đại Bi
 
.....

Truyện 6

- Đời nhà Tống, Huệ Tài pháp sư, người huyện Lạc Thanh, đất Vĩnh Gia, xuất gia hồi thuở còn bé, sau khi thọ đại giới, ngài đi tham học nhiều nơi mà không thông hiểu. Tự hận mình nghiệp chướng sâu dày, pháp sư thường tụng chú Đại Bi cầu cho được trí huệ. Hành trì đã lâu, bỗng một đêm ngài nằm mộng thấy một vị phạm tăng cao vài trượng, cởi áo ca sa đắp lên mình. Sau khi thức dậy, pháp sư thấy tâm trí tỏ sáng, những kinh nghĩa đã nghe từ trước đến giờ, một lúc đều nhớ rõ ràng thông suốt.

Về sau, ngài tham yết Từ Vân Sám chủ, hằng theo phục dịch gần bên, chỗ giải ngộ càng thêm sâu sắc. Niên hiệu Trị Bình năm đầu, ngài trụ ở Pháp Huệ Bảo Các, được vua tứ hiệu Quảng Từ. Không bao lâu, pháp sư lại thối cư về ở bên tháp Lôi Phong, tinh tu về môn Tịnh Độ. Ngài thường đứng co một chân trì chú Đại Bi 108 biến, lấy đó làm thường khóa.

Mùa xuân niên hiệu Nguyên Phong năm đầu, ngài vì hàng đạo tục ngàn người, truyền giới ở Lôi Phong, khi vừa mới làm phép yết ma, nơi đỉnh tượng đức Quán Thế Âm bỗng phóng ánh sáng rực rỡ, đèn đuốc cùng ánh mặt trời thảy đều lu mờ. Ngài Thủ Nhứt Thiền Sư ở chùa Tịnh Từ vì đó làm bài Giới Quang Ký...

Ngày 21 tháng 5 niên hiệu Nguyên Phong thứ 6, pháp sư tắm gội thay y phục lên giảng tòa, đề bài kệ khen Phật, rồi bảo đại chúng : "Ta chắc chắn được sanh về Tịnh Độ", nói xong, ngồi yên lặng mà tịch, thọ được 86 tuổi.

(trích Phật Tổ Thống Ký)

Truyện 7

- Đời nhà Thanh, Ngô doãn Thăng người ở Huy Châu, huyện Hấp, lúc tuổi trẻ thường qua lại buôn bán ở 2 châu Tô, Hàng. Một hôm, nhân có dịp đi qua Hồ Khâu, tình cờ gặp vị tăng đang hóa trai. Vị này nhìn chăm chú vào mặt ông một lúc lâu rồi nói : Ngươi cũng có căn lành, nhưng tiếc vì đến lúc 29 tuổi bị nạn chết đắm. Biết làm sao ? Doãn Thăng sợ quá, cầu phương pháp giải thoát. Vị tăng trầm ngâm giây phút rồi bảo: Từ đây về sau, ngươi nên giới sát, phóng sanh, niệm Phật và trì chú Đại Bi, may ra có thể khỏi được. Ngô Doãn Thăng y lời, về nhà trì chú, niệm Phật và thường lấy đó khuyên người.

Qua năm 29 tuổi, ông thuê thuyền từ Hàng Châu về quê quán, bạn đồng hành có 16 người. Thuyền đi được vài mươi dặm, bỗng gió to sóng lớn nổi lên, thế rất nguy cấp. Doãn Thăng chợt nhớ lời vị tăng nói khi trước, vội vã chắp tay tụng chú, niệm Phật. Giây phút thuyền chìm, tất cả người đi trong ấy đều bị sóng gió trôi giạt. Trong lúc hôn mê, ông bỗng nghe tiếng nói : Ngô Doãn Thăng có công trì chú niệm Phật và khuyên người, được khỏi tai nạn này ! Mở mắt tỉnh ra, nhìn xung quanh, ông thấy mình đã được dân chài lưới vớt lên bờ, y phục ướt đẫm, mũ giày đều bị nước cuốn đi mất, duy nơi tay còn cầm chắc xâu chuỗi 18 hột thường dùng để tụng niệm hằng ngày. Hỏi ra, thì 16 người kia đã bị nước cuốn đi không tìm thấy tung tích...

(trích Nhiễn Hương Tục Tập)

Truyện 8

- Thời Trung Hoa Dân Quốc, ở Thai Châu có vị tăng hiệu Thích Kim Trược, xuất gia nơi chùa Diên Thọ hồi 8 tuổi, đến 20 tuổi, thọ đại giới tại chùa Quốc Thanh. Trên đường tu hành, vị thầy thế độ của Sư, chỉ khuyên tụng chú Đại Bi và trì thánh hiệu Quán Thế Âm, y lời mỗi ngày sư tụng chú 48 biến. Sư thường vì người trị bịnh rất là hiệu nghiệm. Có nhiều kẻ cầu hỏi xin truyền cho phương pháp, Sư bảo : "Tôi chỉ trì chú Đại Bi và niệm Quán Thế Âm mà thôi".

Trong năm Mậu Thìn (dân quốc), sư trụ ở một am nhỏ, ban đêm bị ăn cướp vào khảo tiền. Sau khi chúng xét khắp am, thấy không có chi, nổi giận, đâm ông một dao ở tay mặt và hai dao ở bên trán. Thương thế tuy nặng, nhưng sư không chết. Vết đâm cũng dần lành, để lại ba dấu thẹo lớn ăn sâu vào. Đây cũng là nghiệp trái nhiều kiếp, do công đức trì niệm, nên chuyển quả báo nặng thành nhẹ ở hiện đời.

Mùa hạ năm Kỷ Tị, sư đến Ninh Ba định an cư ở chùa A Dục Vương, nhưng vì số dự chúng đã đủ, mấy lần xin gia nhập, cũng không được hứa nhận. Chưa biết sẽ đi về đâu, Sư ngồi tĩnh tọa trọn nửa ngày, không có lời hờn trách, sắc oán hận. Vị giám tự tăng thấy thế, đưa sư đến tạm ở nơi Dưỡng tâm đường. Ngày mãn hạ, vị tăng quản đường lại theo quy lệ, không cho ở. Sư bảo : "Chẳng bao lâu tôi sẽ sanh về Tây phương, xin từ bi cho tôi lưu lại trong một thời gian ngắn nữa". Chúng cho là lời nói phô, tỏ vẻ không tin. Qua ngày 21, trước giờ ngọ, sư đắp y lên chánh điện lễ Phật, lại đến trước vị tăng quản đường từ tạ, nói sau giờ ngọ thời mình sẽ vãng sanh. Lúc ấy, mọi người còn cho là lời nói dối. Đến giờ ngọ, sư cùng đại chúng thọ trai, ăn đủ hai chén như mọi ngày không giảm. Lại bảo bạn đồng liêu rằng: "Theo quy lệ của nhà chùa, người chết đưa thi hài vào núi sâu, tiền công khiêng đi phải bốn giác. Nay tôi không có vật chi, chỉ còn đôi dép, xin phụng tặng, nhờ thầy lo liệu giùm việc ấy".

Quả nhiên, sau thời ngọ 1 giờ, sư ngồi day mặt về Tây, an ổn mà hóa.

(trích Du Huệ Úc Sao Tập)

Truyện 9

- Ấn Quang đại sư, một vị cao tăng cận đại ở Trung Hoa, thuở sanh bình, hết sức tự tu và hoằng hóa pháp môn tịnh độ. Thường khóa của ngài ngoài thời niệm Phật chánh thức, lại kiêm trì chú Đại Bi. Đại sư tu hành tinh tấn, sức từ bi cảm hóa đến hàng dị loại.

Năm Dân quốc thứ 19, ngài trụ ở chùa Báo Quốc, tại Thái Bình, trong tịnh thất, bỗng sanh ra vô số rệp, nhiều cho đến nỗi nó bò lên song cửa, trên mặt bàn. Có mấy vị đệ tử lo nghĩ đại sư già cả, không kham chịu sự quấy nhiễu, đôi ba phen xin vào trong thất dọn bắt. Ngài không cho và bảo : "Việc này chỉ trách mình kém đạo đức mà thôi. Thuở xưa một vị cao tăng cũng bị loài rệp phá rối, chịu không kham, quở bảo nó phải dời đi nơi khác, chúng liền đem nhau bò đi. Nay ta tu trì bất lực, nên không được sự cảm ứng như thế, lại còn nói gì ?"

Rồi đại sư vẫn an nhiên tiếp tục ở, không để ý đến. Ít lâu sau, loài rệp bỗng nhiên tuyệt tích, ngài cũng không nói cho ai biết. Lúc ấy, gần tiết Đoan Ngọ, Đức Sum pháp sư chợt nhớ đến việc trước hỏi thăm, ngài bảo : "đã đi hết từ lâu, không còn con nào nữa". Pháp sư cho là ngài lớn tuổi, mắt mờ yếu nên không thấy, quyết ý xin vào trong xem lại, quả nhiên chúng đã đi đâu hết sạch.

Đại sư thường gia trì chú Đại Bi vào nước, gạo hoặc tro sạch để cứu những chứng bịnh mà các y sư đều bó tay, hiệu nghiệm lạ lùng. Một ngày, nơi Tàng Kinh Các của chùa phát hiện ra vô số mối trắng, đại sư ở trong thất, nghe nói, liền trì chú vào nước bảo rưới lên chú nguyện, loài mối cũng kéo nhau đi mất.

Những đệ tử ở xa bị bịnh dây dưa không hết, ngài khuyên nên trì chú vào gạo nấu ăn cho đến chừng nào hết bịnh mới thôi. Phương pháp đó gọi là Đại Bi Phạn. Cách nấu cơm, theo đại sư, nên khéo nấu gạo nước cho vừa chừng, đừng đổ nước nhiều rồi chắt ra, vì như thế đã hao củi lại mất chất bổ trong cơm, làm phí phạm của tiền mà tổn phước. Thuở còn nhỏ, ngài hay đau yếu, có người giỏi về tướng pháp cho rằng chỉ thọ đến 38 tuổi là cùng. Nhưng sau đại sư sống khoẻ mạnh đến 80 tuổi mới vãng sanh.

(trích Ấn Quang Đại Sư truyện ký)

Lời bạt :

Đời càng đi sâu vào mạt pháp, sự khổ của nhơn loại càng thêm nhiều. Đó cũng là cộng nghiệp của chúng sanh chứa góp từ nhiều kiếp trước đến kiếp này, đã tới kỳ bộc phát. Túc nghiệp đã sẵn, hiện nghiệp lại giúp duyên, như lửa gặp được dầu càng thêm lan cháy !

Thế giới ngày nay, chiến tranh hết nơi này đến nơi khác, nhiều chứng bịnh lạ nảy sanh, trộm cướp hoành hành, nhơn dân nghèo khổ. Mỗi năm những bão lụt, động đất, nắng hạn, mất mùa, ở khắp các xứ không biết là bao nhiêu ! Cảnh đã như thế, con người phần nhiều càng hung ác, gian xảo, không biết tỉnh thức ăn năn. Những thảm trạng do lòng tham địa vị, tình ái, tiền tài, kết quả gây ra tàn hại lẫn nhau cũng không kể xiết !

Kinh Hoa Nghiêm nói : "Tâm như người họa khéo, vẽ vời cảnh thế gian". Cảnh đời vui khổ đã do hành vi lành dữ phát sanh từ tâm niệm của loài người. Muốn làm dịu bớt thảm trạng ngày nay, mỗi người phải tự tu tỉnh, ăn năn, niệm Phật, niệm Quán Thế Âm hoặc thọ trì mật chú nữa. Xem kinh Quán Âm Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, tôi thấy những công đức an vui, thoát khổ rất cần thiết đối với hiện cảnh ngày nay, nhân có 1 phật tử yêu cầu phiên dịch, tôi liền vui lòng hứa nhận.

Theo trong Hiển Mật Viên Thông, người tu Chân ngôn về sắc trần cần phải rõ rệt, như quán nước phải ra nước, quán lửa phải ra lửa, chớ không thể khác được. Riêng về thinh trần thì dù tiếng tăm đọc tụng có trại với Phạm Âm đôi chút cũng không sao, miễn có lòng tin tưởng chí thành là được công hiệu. Vì thế, từ trước đến nay, hàng Phật tử ở Trung Hoa cho đến VN ta, khi đọc tụng chú, thật ra đều trại với chánh âm, song vẫn cảm được oai thần công đức không thể nghĩ bàn. Vậy người học Phật, muốn trì chú, đừng lấy điểm này làm nghi, mà mất phần lợi ích.

Lại từ trước đến nay, chú ngữ không phiên dịch vì 5 duyên cớ :

1. Vì tâm niệm bí mật nên không phiên dịch.

Như chúng sanh dùng tâm yên lặng, tin tưởng, thành kính mà niệm chú, tất sẽ khế hợp với chân tâm của Phật, Bồ Tát mà được cảm ứng. Nếu biết nghĩa lý thì dễ sanh niệm phân biệt, cho đoạn này nghĩa như vầy, đoạn kia nghĩa như thế, kết cuộc vẫn ở trong vòng vọng tưởng, làm sao thông cảm với Phật tâm ?

2. Vì nghĩa lý bí mật nên không phiên dịch.

Trong một chữ chân ngôn có nhiều nghĩa, nếu dịch nghĩa này thì mất nghĩa kia. Không được toàn vẹn. Thí dụ, riêng một chữ A đã hàm súc những nghĩa như bất sanh, bất diệt, không, căn bản, chân thể, và nhiều nghĩa khác nữa.

3. Vì danh tự bí mật nên không phiên dịch :

Nhiều chữ trong chân ngôn, hoặc chỉ cho danh hiệu Phật, Bồ Tát, Thiên, Long, Quỷ Thần, như chữ Hồng gồm 4 chữ Hạ, A, Ô, Ma hiệp thành, chỉ cho chủng tử của chư thiên. Hoặc có thứ ở phương này không có, như danh từ Diêm Phù thọ chẳng hạn.

4. Vì âm thanh bí mật nên không phiên dịch :

Các chữ chân ngôn có khi diễn tả âm thanh của tiếng gió reo, nước chảy, tiếng loài chim kêu, đọc lên có sức linh động, nên để nguyên âm. Thí dụ: câu tô rô tô rô là chỉ cho tiếng lá cây ở cõi Phật rơi xuống. Hoặc như chữ Án, đọc lên có năng lực thầm kín, làm rung chuyển không gian. Hay như chữ Ta Bà Ha có sức truyền cảm như một sắc lịnh. Lại có nhiều danh từ nguyên chữ Phạn sẵn từ trước đến nay, vì thuận theo xưa, nên không dịch ra.

5. Vì sự sanh thiện bí mật nên không phiên dịch.

Như danh từ bát nhã, người đọc lên sanh lòng tin tưởng, phát ra niệm lành, nếu dịch là trí huệ thì sanh lòng khinh thường, không quí trọng.

Trên đây là những nguyên nhân vì sao chú ngữ không dịch ra, chớ chẳng phải là không có ý nghĩa. Người học Phật phải nên xét nghĩ, chớ vội theo chỗ thấy hiểu cạn hẹp của mình, sanh lòng khinh mạn mà mang tội...

Trích Đại Bi Trì Nghiệm

Lời Bạt : Hòa Thượng Thiền Tâm