Tín ngưỡng Di Lặc trong Phật giáo Ấn Độ |
Đồng Thành |
Nguồn gốc Phật Di Lặc |
Danh từ Di Lặc được phiên âm ra nhiều ngôn ngữ với những tên gọi khác nhau như : Maidari (Mông Cổ) Jhampa (Tây Tạng) Di Lặc hay Milo (Trung Hoa), Miryek (Triều Tiên), Miroku (Nhật Bản)... Tất cả những từ này đều là phiên âm của chữ Maitreya (Pàli : Metteyya) trong tiếng sanskrit. Chữ Maitreya bắt nguồn từ gốc Maitri có nghĩa là sự bao dung, lòng từ ái, sự êm dịu. Đây được xem là tâm đầu tiên trong Tứ Vô lượng tâm. Maitreya là từ được kết hợp giữa gốc maitri và tiếp vị chữ ya, trong đó ya có chức năng nhân cách hóa. Vì thế Maitreya có thể được dịch là Đấng Từ ái, Trung Hoa dịch là Từ Thị (người mang chủng tánh từ bi). Trong Phật giáo chữ Từ còn có nghĩa là ước vọng, mong muốn cho mọi sinh linh được sống an lành, hạnh phúc. Kinh điển Nikaya thường nói nhiều về tâm Từ hơn tâm Bi. Tâm Từ được tỏa ra từ công năng quán chiếu, tu tập thiền định và thường được xem là một nguồn lực to lớn trong vũ trụ. Kinh điển thường mô tả lòng từ của Đức Phật luôn toát ra từ kim thân của Ngài. Kinh Thí Dụ thì dạy rằng lòng từ có diệu dụng chuyển hóa và trị liệu những tâm thức bệnh hoạn và yếu đuối của chúng sinh. Trong Đại Tạng Pali như Kinh Trường Bộ và Trung Bộ, danh từ Di Lặc thường chỉ cho một vị Phật đương lai sẽ thị hiện ở cõi Ta Bà này. Tác phẩm Phật học cổ xưa khác là Anagatavamsa đề cập khá chi tiết đến hạnh nguyện của Đức Di Lặc, tuy nhiên tác phẩm này chưa được xác định rõ niên đại cụ thể. Bộ Divyavadana của phái Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có thuật lại câu chuyện về một vị Bồ tát vì tầm cầu chân lý mà phát nguyện tu khổ hạnh và hiến đầu mình cho một bậc đạo sư để bày tỏ lòng thành của mình. Khi chứng kiến cảnh ấy, chư thiên muốn cứu mạng vị Bồ tát bằng cách giữ vị đạo sư ở khoảng cách xa. Nhưng Bồ tát cứ khẩn nài chư thiên hãy để cho vị đạo sư làm điều mình mong muốn, vì rằng xưa kia cũng chính tại khu vườn này Đức Di Lặc đã hiến thân mình để cầu học giáo pháp cao thượng. Bộ Đại Sự (Mahàvastu) của Đại Chúng Bộ có đề cập đến danh hiệu các Đức Phật ở đời vị lai, đứng đầu là Đức Di Lặc. Theo Bộ Đại Sử (Tích Lan), Đức Di Lặc sẽ trú tại cung trời Đâu Suất trước khi giáng sinh xuống cõi Ta Bà. Thời gian mà Ngài giáng sinh cũng được đề cập chi tiết trong bộ này. Truyền thống Đại Thừa luôn đề cao hạnh nguyện của các vị Bồ tát trong sứ mạng cứu khổ độ sinh và thành tựu giác ngộ tối hậu, do vậy hình ảnh các bậc Bồ tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Di Lặc... luôn tỏa sáng trong dòng văn học uyên áo này. Trong Đại Tạng Hán ngữ, có rất nhiều bộ kinh nói về Đức Di Lặc, trong đó có 6 bộ quan trọng thuộc hai hệ tín ngưỡng chính là Di Lặc Thượng Sinh và Di Lặc Hạ Sinh. Ngoài ra có rất nhiều bộ chú giải về các bộ Kinh này trong văn học Phật giáo Tây Tạng và Trung Hoa. Ngài Di Lặc còn có một danh hiệu khác là Ajita (A Dật Đa, Trung Hoa dịch là Vô Năng Thắng). Theo kinh tạng Nguyên Thuỷ, trong hàng đệ tử của Đức Phật có rất nhiều vị mang tên là Ajita. Trong số các vị này đáng chú ý hơn cả là Tôn giả Ajita -môn đồ của ngoại đạo Bavari. Phẩm Parayana thuộc kinh Tập (Suttanipata) có nói đến Maitreya và Ajita, hai trong số 16 đệ tử của nhà khổ hạnh Bavari. Ajita là con trai của một Bà La Môn ở Xá Vệ và là cháu của Bavari ; còn Maitreya sinh trưởng tại làng Kapali ở Ba La Nại (có tư liệu khác cho rằng Ngài sinh ở Nam Ấn). Cả thầy trò Bavari về sau nhờ nghe pháp của Đức Phật mà chứng quả A la hán, duy chỉ có Pingiya - một trong số các đệ tử của Bavari chứng quả A na hàm. Kinh Trung Bộ III và Luật tạng của Hóa Địa Bộ có ghi lại 1 sự kiện khá quan trọng liên quan đến hai Tôn giả Ajita và Maitreya như sau : Một hôm, khi đang trú tại Lộc Uyển, Đức Thế Tôn bảo hai tỳ kheo rằng khi tuổi thọ loài người lên đến tám vạn năm, sẽ có một vị Chuyển luân Thánh Vương tên là Sankha xuất hiện tại Ba La Nại. Khi nghe Phật dạy như vậy, Tôn giả Ajita đang ở trong hội chúng liền phát nguyện trở thành vị Chuyển Luân Thánh vương đó với mục đích làm lợi lạc cho mọi người. Đức Phật liền thọ ký cho tỳ kheo Ajita. Rồi Đức Phật lại dạy tiếp cũng tuổi thọ loài người lên đế tám vạn năm, sẽ có một Đức Phật thị hiện trên cõi đời này, danh hiệu của Ngài là Di Lặc. Khi ấy Tôn giả Maitreya liền phát nguyện tu trì tinh tấn để trở thành Đức Phật Di Lặc kia, và Đức Phật đã thọ ký cho Tôn giả. Sau đó Phật bảo Tôn giả A Nan đem bộ y vàng mà di mẫu Kiều Đàm vừa cúng dường cho chư tăng đến và chính tay Ngài tặng bộ y ấy cho Tôn giả Maitreya. Ngài cũng không quên tán thán hạnh nguyện cao cả của Tôn giả. Mẫu chuyện này cũng được tìm thấy trong kinh Hiền Ngu, luận Đại Tỳ Bà Sa. Kinh Tạp Bảo Tạng có nhắc đến mẫu chuyện này nhưng lại không nói đến danh hiệu Ajita. Kinh Xuất Diệu thì nói rằng trong số mười sáu đệ tử của nhà khổ hạnh Bavari, chỉ có Maitreya và Ajita là chưa vào Niết Bàn. Một điều dễ nhận thấy là hầu như danh từ Ajita dùng để chỉ cho Đức Di Lặc chỉ được tìm thấy trong Hán tạng như các kinh : Tịnh Độ, Pháp Hoa, Phật thuyết Quán Di Lặc Bồ tát Thượng Sinh Đâu Suất Thiên... còn trong tạng Nikaya, Ajita và Maitreya là hai nhân vật khác nhau. Trong Duy Ma Cật kinh chú, Ngài Tăng Triệu, một đệ tử của Pháp Sư Cưu Ma La Thập, cho rằng Maitreya là họ và Ajita là tên riêng. Tín ngưỡng Phật Di Lặc xuất hiện rất sớm ở Ấn Độ Phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng tín ngưỡng Di Lặc xuất hiện rất sớm ở Ấn Độ. Theo học giả Monier Williams, kể từ khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt, ngoài hình tượng Đức Bổn Sư, Di Lặc là vị Bồ tát duy nhất được tôn thờ trong các truyền thống Phật giáo. Người Phật tử thường tôn thờ tượng Đức Bổn Sư để tưởng niệm ân đức vô biên mà người đã mang đến cho nhân loại. Còn đối với Đức Di Lặc, Ngài là một vị thánh sống, một bậc Bồ tát đang giáo hóa tại cung trời Đâu Suất và là 1 Đức Phật trong tương lai. Vì thế người Phật tử luôn thể hiện một niềm tin sâu sắc và mãnh liệt đối với vị Bồ tát này. Theo học giả Lamotte (Pháp), một trong những bi ký được tìm thấy tại ngôi bảo tháp do vua Kaniska (78-110) dựng tại Purusapura Bắc Ấn Độ có ghi lại rằng sau kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhất, Trưởng lão Ca Diếp nghĩ rằng bổn phận mình đã hoàn mãn và Ngài quyết định nhập diệt. Sau khi báo tin này cho Tôn giả A Nan, Ngài liền vào thành Vương Xá để từ biệt vua A Xà Thế. Lúc ấy A Xà Thế còn đang nghĩ trong cung nên Trưởng lão bèn lên đỉnh Kê Túc (Gradhakuta), ngồi kiết già và phát nguyện sẽ lưu thân lại cho đến khi Đức Phật Di Lặc ra đời để trao y bát của Đức Thích Ca cho Phật đương lai ấy. Khi ấy quả đất chấn động, chư thiên rải hoa cúng dường và núi rừng khép lại quanh Ngài. Khi hay tin này Tôn giả A Nan và vua A Xà Thế liền vội vã đến núi Kê Túc, quả núi mở ra và toàn thân Đức Ca Diếp hiển hiện. Vua A Xà Thế muốn làm lễ trà tỳ nhục thân của Trưởng lão nhưng Tôn giả A Nan ngăn lại và bảo rằng Trưởng lão đang nhập định và chờ đến khi Đức Phật Di Lặc ra đời. Lúc ấy quả núi liền khép lại như cũ. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến tín ngưỡng Di Lặc được hình thành và lan rộng tại Ấn Độ. Di Lặc : Thủy Tổ của Duy Thức tông Tín ngưỡng này càng trở nên phổ biến hơn tại Ấn Độ từ thế kỷ IV trở đi vì Ngài được xem là thuỷ tổ của Duy Thức tông, một trong hai tôn phái lớn của Phật giáo Đại Thừa. Vào thế kỷ thứ IV, tại Ấn Độ xuất hiện hai vị luận sư Phật giáo kiệt xuất đó là hai anh em Ngài Vô Trước (310-390 Tây lịch) và Thế Thân (320-400). Đương thời Vô Trước là Bậc luận sư Đại thừa không tuệ, quảng bác không ai bì kịp. Ngài có thể lý giải bất cứ nghi vấn nào của các học giả khác, nhưng chính Ngài lại không giải đáp được mọi thắc mắc của chính mình về những tư tưởng uyên áo trong kinh Bát nhã. Để tìm lối thoát cho những bế tắc trong tư tưởng của mình, Ngài bèn kiết thất nhập định với ý nguyện được diện kiến và học đạo với đức Di Lặc trên cung trời Đâu Suất. Tìm được một hang đá trên dãy Hy mã Lạp Sơn, Ngài liền hành thiền miên mật suốt ba năm nhưng rồi ước nguyện không được thành tựu. Một hôm, với tâm trạng buồn bã vì việc hành trì của mình chưa có kết quả, Ngài bỗng thấy trên nền hang động có những vết lõm do những giọt từ trên mái nhỏ xuống. Ngẫm nghĩ lại công năng tu trì của mình cũng phải tinh chuyên như những giọt nước kia, Ngài bèn tiếp tục hành thiền ròng rã suốt ba năm nữa. Ba năm tu trì đã trôi qua nhưng Ngài vẫn chưa diện kiến được Đức Di Lặc. Trong lúc chuẩn bị rời khỏi thâm sơn, Ngài bỗng thấy những đôi cánh dơi bé nhỏ bay ra khỏi hang lúc chạng vạng tối và về lại hang lúc trời còn tinh mơ. Bề mặt trần gồ ghề của hang trở nên trơn tru do đàn dơi bám lâu ngày. Hình ảnh này lại kích thích tâm tư của Ngài và Ngài tiếp tục nhập định suốt ba năm nữa. Sau chín năm tinh cần tu tập nhưng vô hiệu, Ngài quyết định từ bỏ ý định ban sơ của mình. Trong lúc sắp rời khỏi hang, Ngài thấy một ông lão đang mài một thanh sắt. Lòng vô cùng kinh ngạc, Ngài hỏi ông lão đang làm gì thì được ông lão trả lời là mình đang làm kim. Rồi ông lấy ra một họp kim đã mài xong đưa cho Ngài xem. Bị kích động bởi việc làm của người thợ mài, Ngài quay trở lại hang động. Ba năm đằng đẳng đã trôi qua, giờ đây, mười hai năm dường như đã luống uởng, vô ích, Ngài nghĩ rằng đã đến lúc phải từ bỏ ý nguyện của mình. Vừa bước chân ra khỏi hang, Ngài thấy một con sói đang nằm rên rỉ đau đớn, thân sau của nó bị lỡ lét hôi tanh và vô số côn trùng bu quanh. Động lòng trước cảnh đó, Ngài quyết định cứu chữa cho sói và nuôi sống những côn trùng kia bằng chính thịt của mình. Ngài bèn xuống phố đổi cây tích trượng của mình lấy một con dao và quay về nơi sói đang nằm. Sau khi cắt thịt từ đùi của mình, Ngài nghĩ nếu dùng tay bắt những côn trùng ra sẽ làm cho sói quá đau đớn mà chết. Vì thế Ngài dùng lưỡi của mình để liếm những côn trùng ra khỏi nơi bị lở lói. Vừa lúc liếm vào vết lở, bỗng nhiên con sói biến mất và Đức Di Lặc với vầng hào quang rực rỡ xuất hiện. Trong niềm sung sường tột độ, Ngài liền đãnh lễ Đức Di lặc và bạch rằng vì sao Ngài chưa bao giờ thị hiện trong suốt mười hai năm qua. Đức Di Lặc đáp, người vẫn luôn bên cạnh Vô Trước từ những giây phút đầu tiên, nhưng vì nhân duyên chưa hội đủ nên thầy trò chưa thể gặp nhau được. Khi đó Đức Di Lặc bảo Vô Trước cõng Ngài đi vào phố. Vô Trước liền sung sướng làm theo. Mọi người trên phố hôm ấy không ai thấy Đức Di Lặc mà chỉ thấy 1 mình Ngài Vô Trước. Vô Trước bèn trình bày với Đức Di Lặc ý nguyện ban đầu của mình và Đức Di Lặc liền đưa Ngài lên cung trời Đâu Suất để truyền dạy suốt 6 tháng (tương đương 50 năm ở nhân gian). Ngài Vô Trước : truyền bá đạo lý Du Già của Phật Di Lặc Sau khi trở về nhân gian, Ngài Vô Trước lập ra một trung tâm Phật học và ghi chép lại tất cả những gì mình đã được học. Có truyền thuyết cho rằng ban ngày Ngài giảng thuyết Phật pháp và tối đến thì lên cung trời Đâu Suất để học với Đức Di Lặc. Căn cứ vào truyền thuyết trên cùng những tác phẫm Du Già ban đầu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người sáng lập Du Già Tông hay Duy Thức tông không phải là Vô Trước mà là Bồ tát Di Lặc. Việc phân định giữa một nhân vật Di Lặc lịch sử với 1 Bồ tát Di Lặc là điểm chú ý của nhiều học giả. Theo giáo sư Hajime Nakamura (Nhật), triết lý Duy Thức trong giai đoạn ban sơ đã được thể hiện bàn bạc trong các tác phẩm của luận sư Mã Minh (thế kỷ II tây lịch) nhưng người sáng lập tông phái này chính là Maitreya hay Maitreyanatha (Di Lặc) 270-350 tây lịch). Theo lý giải của giáo sư H.Ui (Nhật), Maitreya (Di Lặc) là một nhân vật có thật trong lịch sử. Trong truyền thống cổ đại Ấn Độ, các bậc Thầy luôn được hàng đệ tử của mình tôn sùng cao độ, và trải qua nhiều thế hệ vị Thầy ấy có thể được thánh hoá và được nâng lên địa vị của các bậc Bồ tát Thượng Thủ. Ngài Vô Trước đã từng tôn vinh thầy mình là Bồ tát Di Lặc, và vì thế, về sau các hàng đệ tử của Ngài tôn vinh luận sư Di Lặc là Bồ tát Di Lặc, một vị Phật tương lai. Học giả G Tucci cũng đồng thuận với các lý giải này. Tuy nhiên Lamotte (Pháp) thì phản bác lại quan điểm của H. Ui và cho rằng chính Vô Trước đã học pháp Duy Thức với Ngài Di Lặc trên cung trời Đâu Suất. Xem ra quan điểm của Lamotte có tính thuyết phục hơn bởi lẽ khi nghiên cứu về hành trạng của Đức Di Lặc, học giả chủ yếu phải dựa vào hai nguồn tư liệu Trung Hoa và Tây Tạng, và cả hai truyền thống này đều nhìn nhận sự hiện hữu của Di Lặc trên cung trời Đâu Suất. Thêm vào đó, nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ kéo dài từ thời Kushana tk5-tk3 trước tây lịch đến giai đoạn Gupta (320-480) đã tạo ra vô số hình tượng Bồ tát và Phật Di Lặc. Trong một công trình nghiên cứu về Đức Di Lặc qua nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ, học giả Inchang Kim cho rằng điểm độc đáo của hình tượng Di Lặc trong nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ và sự kết hợp giữa hình tượng Bồ tát và Đức Phật. Như thế niềm tin về Bồ tát Di Lặc đã có ảnh hưởng sâu sắc và lâu đời ở Ấn Độ. Truyền thống Phật giáo Trung Hoa cho rằng Bồ tát Di Lặc là tác giả 5 bộ luận lớn của Duy Thức Tông, đó là Yogacarabhumi (Du Già Sư Địa) Yoga-vibhaga (đã bị thất lạc) Mahayanasu-tralankara (Đại Thừa Trang Nghiêm kinh luận), Madhyantavibhaga (Biện Trung Biên luận), Vajracchedikavya-khya (Kim Cang Năng Đoạn kinh luận). Theo giáo sư Hajime Nakamura, truyền thống Phật giáo Tây Tạng cho rằng những tác phẩm của Bồ tát Di Lặc gồm có : Mahayanasutralankara, Madhyantavibhaga, Abhismlayalamk-ara (Hiện Quán Trang Nghiêm luận) Dharmadharmata - vibhaga (Pháp Tánh Phân biệt luận) và Uttaratantra. Theo 1 vài học giả, có thể những bộ luận trên không do chính Ngài Di Lặc trước tác; chính Vô Trước đã ghi lại lời thầy mình trong những bộ luận này. Di Lặc Bồ tát : vị luận chủ hướng đạo Tây Tạng Một trong những nguyên nhân khiến cho tín ngưỡng Di Lặc được phổ cập ở Ấn Độ là Bồ tát Di Lặc cùng với các bộ luận đồ sộ và sự hình thành Du Già Tông đã tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử tư tưởng triết học Phật giáo Ấn Độ. Phần lớn các luận sư Tây Tạng như Rangjung Dorje, Dolpopa, Longchengpa... đều cho rằng giáo lý Phật giáo được hình thành và phát triển thông qua ba lần chuyển Pháp luân như sau : Trong lần chuyển pháp luân đầu tiên, những nguyên lý căn bản như Khổ, Vô thường, Vô ngã, Bất tịnh được tuyên thuyết để giúp hành giả xả bỏ mọi vọng chấp vào sự kết hợp giữa năm uẩn và bản ngả trường cửu. Trong lần chuyển pháp luân thứ hai, hành giả có thể trực nhận về tự tính thường hằng của vạn hữu qua nguyên lý tính không (ngã không và pháp không) và ly tham. Ở lần chuyển pháp luân thứ nhất, dù hành giả đã khám phá rằng không có một tự ngã thường trong năm uẩn, nhưng họ vẫn cho rằng mỗi tập hợp uẩn mang một tự tánh riêng biệt, vì thế lần chuyển pháp luân thứ hai này được xem là giai đoạn để hóa giải những vọng tưởng vi tế đó. Lần chuyển pháp luân thứ ba đề cao tinh yếu của tính không (sunyata) là Đại Không (Mahasunyata), Phật tính luôn mang tính tự nhiên và bất khả phân, Như Lai Tạng là giáo nghiã Tối thượng. Nếu ở lần chuyển pháp luân thứ hai, hành giả liễu ngộ tính không và bước vào thế giới Đại Thừa, thì trong lần chuyển pháp luân này, hành giả an trú trong tự tánh mà thể nhập cảnh giới Như Lai. Cũng theo các vị luận sư trên, giáo lý Duy Thức thuộc vào lần chuyển pháp luân thứ ba này, và vì thế, bậc Tổ Sư (Bồ tát Di Lặc) và những hậu duệ của Ngài đã góp phần to lớn trong việc thiết lập một hệ thống tư tưởng căn bản làm nền tảng cho các phong trào nghiên cứu Phật học sau này tại Trung và Đông Á. Tại Ấn Độ, các hình tượng, tranh ảnh, nội quy tự viện, cách thờ phụng, các bài sám pháp, các tác phẩm văn học... liên quan đến Bồ tát Di Lặc đều thể hiện một sự đồng nhất trong bản chất của tín ngưỡng Di Lặc. Khi tin tưởng ngưỡng mộ và hành trì theo công hạnh của Đức Di Lặc, hành giả thi thiết một phương tiện cứu độ siêu việt đó là lòng từ bi thánh thiện, là tình thương vô cầu và sự cảm thông quảng đại trong cuộc sống hiện tại. Phần lớn các bi ký đều ghi lại rằng người Phật tử tôn thờ Đức Di Lặc là niềm hạnh phúc và sự giác ngộ của tất cả chúng sinh. Ý nguyện được sinh lên cung trời Đâu Suất hay được dự trong hội Long Hoa khi Ngài thành Phật tại nhân gian cũng là những mục đích khác của nền tín ngưỡng vậy. Ngài Huyền Trang đem giáo lý Di Lặc về Trung quốc Vào thế kỷ thứ VII, pháp sư Huyền Trang (596-664 Tây lịch) trên đường cầu pháp và chiêm bái các thánh tích tại Bắc Ấn, khi đang qua sông Hằng, thuyền của Ngài bị một bọn cướp tấn công. Sau khi cướp tất cả tài sản của hành khách, thấy tướng mạo đoan nghiêm của Ngài, chúng bèn bắt Ngài với mục đích dùng làm vật tế lể hàng năm cho nữ thần mà chúng đang tôn thờ. Thấy không thể thuyết phục đươc bọn cướp, Ngài bèn xin chúng cho mình được tịnh tâm trước khi bị hành quyết. Ngài ngồi tĩnh toạ và tập trung quán tưởng đến Đức Di Lặc và cõi trời Đâu Suất, rồi phát nguyện được sinh lên cảnh giới ấy để học đạo với Đức Di Lặc và sau đó trở lại nhân gian để độ bọn cướp này cũng như truyền bá giáo lý của Đức Phật. Sau đó Ngài thành tâm đảnh lể chư Phật, nhất tâm quán tưỡng về Đức Di Lặc và thấy mình đến bên pháp tòa của vị Bồ tát này. Bỗng một cơn bảo ào ạt nổi lên, bứng cả moị cây cối xung quang, nhận chìm mọi thuyền bè. Bọn cướp vô cùng sợ hãi, chúng hồi tâm và xin sám hối với Ngài. Liền khi đó Ngài quy y và truyền Ngũ giới cho cả bọn. Khi trở về quê hương, cảm niệm hồng ân của Bồ tát Di Lặc, Ngài nổ lực phiên dịch và biên soạn các tác phẩm của Duy Thức tông, cực lực xiển dương giáo nghiã Duy thức và trở thành Sơ Tổ của tông phái này tại Trung Hoa. Tín ngưỡng Di Lặc trở thành đại chúng hóa ở Đông Nam Á Từ thế kỷ V đến thế kỷ VIII tín ngưỡng Di Lặc được truyền bá sâu rộng tại Trung Hoa và Đông Á. Vào thế kỷ VI, niềm tin vào Đức A Di Đà và cảnh giới Tịnh Độ dần dần lớn mạnh kéo dài đến thế kỷ IX. Khi tín ngưỡng Tây phương Tịnh Độ trở nên khá thịnh hành trong nhân gian thì tín ngưỡng Di Lặc vẩn có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, đặc biệt là ở Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản. Truyền thuyết về hóa thân của Đức Di Lặc xuất hiện khá nhiều ở Trung Hoa... Đức Di Lặc luôn quán niệm về tự ngã, về bản chất của tâm thức với mục đích khám phá nguyên nhân của đau khổ và nhân duyên đưa đến sự giác ngộ viên mãn. Quá trình tu tập này có sự trợ lực của Nhẩn nhục Ba La Mật. Cũng nhờ an trú trong hạnh ấy, Ngài quán chiếu về sự sinh khởi, tồn tại biến dị và hoại diệt của pháp ngoại cảnh cũng như những xúc cảm,tư tưởng trong nội tâm. Sự bừng tỉnh về bản chất của những biến đổi này là một động lực mầu nhiệm để hành giả có thể mang đến cho thế nhân tâm từ bi, hỷ, xả một cách trọn vẹn. Với tâm nguyện sáng ngời, Đức Di Lặc đã đến với đời bằng tâm từ vô lượng, bằng tình thương đại đồng với mong ước rằng những nguồn sống hạnh phúc, những tình thương dạt dào, những tư tưởng thanh cao sẽ đến với mọi chúng sinh. Ngài mang đến cho nhân loại thông điệp hy vọng về một viên cảnh an lạc trong tương lai của loài người. Tronh kinh Nhất Dạ hiền giả Đức Phật đã dạy hàng đệ tử mình nên sống và an trú trong hiện tại. Con người chỉ thật sự sống khi sống với những cái gì đang hiện hữu và trôi chảy trên nền trời của hiện tại, không thể sống với bóng dáng mơ hồ của quá khứ và ảo ảnh xa xăm của tương lai. Nếp sống hài hòa ấy chính là nếp sống buông xả, không còn chấp thủ và tham ái. Đối mặt với thực tại là đối mặt với vô vàn đa đoan trong cuộc sống nhưng nếu hành giả biết quán chiếu và an trú vào tâm thức thuần khiết, không ngã tưởng, không tham ái thì sự đối mặt này quả là một cơ hội hy hữu mà ở đó quá khứ và tương lai đều dung thông và hiển hiện trọn vẹn trong từng khoảnh khắc của hiện tại... ********************** Muốn nhận thường xuyên Bản tin, (3 tháng 1 lần) xin gởi địa chỉ về chùa Khánh Anh Ủng hộ tùy tâm |